HẠT DỔI RỪNG | 50gram
Hạt Dổi, cùng với hạt Mắc Khén là 1 trong 2 loại gia vị đặc trưng bậc nhất của ẩm thực Tây Bắc chúng tôi! Hạt Dổi có mùi thơm đặc trưng, nói thật là khó tả lắm. Xưa nay đồng bào Thái ở Tây Bắc sử dụng hạt Dổi làm gia vị chấm, và gia vị ướp các món ăn cổ truyền như thịt Bò/Trâu/Lợn khô, hoặc các món như Lạp Xưởng! Ngoài ra có khá nhiều món cực kì hợp với Hạt Dổi, ví như món canh Măng Pửng (Dùng đọt non của Măng Giang, cắt khúc, ngâm nước tro nhạt trong vòng 3 ngày rồi đem nấu với xương Bò). Hạt Dổi khi phơi khô đã có mùi thơm quyến rũ rồi, nhưng phải nướng lên (chả ai Rang hạt Dổi cả), nướng trên than hồng nhanh tay, hạt Dổi Rừng xịn sẽ nở căng ra, mùi thơm bốc lên ngào ngạt! Rồi mới đem giã nhỏ ra để sử dụng.
Video tôi ghi lại khi đi tìm Hạt Dổi trong rừng già ở Tây Bắc, đồng thời hướng dẫn các anh chị cách phân biệt Hạt Dổi xịn với hạt Dổi rởm!
CHI TIẾT VỀ HẠT DỔI RỪNG CỦA TÂY BẮC
Cây Dổi là cây thân gỗ, thẳng đứng, ít cành và rất cao! Ở rừng có vài loại cây Dổi, có loại chỉ lấy gỗ làm nhà, hạt rất cứng và mùi hắc, thường gọi là Dổi Tẻ! Còn loại cây Dổi cho hạt thơm, bọn tôi hay gọi là Dổi Nếp, đây mới chính là Hạt Dổi Rừng mà nhiều người hay quen mồm gọi là Vàng Đen đấy.
Đây, các anh chị nhìn thấy chưa, hạt & quả Dổi còn tươi. Và hạt Dổi sau khi đã phơi khô sẽ như thế này.
PHÂN LOẠI HẠT DỔI
Các anh chị hãy nhớ, trên thị trường có bán đến 4 loại Hạt Dổi, tôi liệt kê đầy đủ để các anh chị hiểu rõ hơn, tránh nhầm lẫn khi lựa chọn & tìm mua.
- LOẠI 1: Hạt Dổi Rừng của những cây Dổi Rừng cổ thụ, già trên 30 năm, và đặc biệt quan trọng là hạt Dổi chín đỏ trên cây, chỉ khi nào rụng mới đi nhặt về phơi khô. Loại này rất hiếm, và nếu có thì cũng cực kì đắt! Hầu như không thể mua được ngoài chợ, bà con đi nhặt về chủ yếu là sử dụng trong gia đình khi có khách quý.
- LOẠI 2: Cũng là của cây Dổi Rừng, nhưng tuổi đời cây ít hơn, và khi khai thác thường được hái quả lẫn giữa quả chín, và quả chưa chín hẳn để lấy hạt mang phơi!
- LOẠI 3: Cây Dổi trồng, tuổi đời cây còn non. Hạt To & Đen hơn loại 1 và 2. Mùi rất hắc, chứa nhiều tinh dầu, nướng không nở căng. Loại này theo quan điểm của tôi, không nên sử dụng, vì nếu ai đã từng sử dụng loại 1 + 2, sẽ nhận ra ngay cái loại thứ 3 này mùi vị nó chả giống…Hạt Dổi tí nào cả.
- LOẠI 4: Đây không phải là HẠT DỔI, đa phần người thiếu kinh nghiệm sẽ bị nhầm lẫn khi mua! Hạt rất to, bóng, có hạt Đen, có hạt vàng cánh gián. Bổ đôi hạt ra bên trong ướt, nướng không nở, mùi rất khó chịu. Tôi đã lang thang khắp các chợ từ Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu rồi cả ở Hà Nội…và nhận ra loại này bán ở chợ nhiều nhất. Tất nhiên là 1 số người bán hàng ở các chợ này luôn mồm khẳng định đây là Hạt Dổi Rừng, buồn cười thật.
CÁCH BẢO QUẢN HẠT DỔI
Hạt Dổi dễ bị mất mùi, thậm chí mốc. Hãy đựng Hạt Dổi trong lọ thủy tinh hoặc nhựa thật kín, không nên sử dụng túi nilon để đựng Hạt Dổi. Bảo quản chỗ râm, mát là được, không nên bỏ tủ trong tủ lạnh.
CÁCH SƠ CHẾ HẠT DỔI TRƯỚC KHI SỬ DỤNG
Nào, trước khi chúng ta làm vài món ngon ngon với Hạt Dổi, thì cần phải Nướng chúng lên đã! Các anh chị nhớ nhé, Hạt Dổi là phải nướng, chứ chẳng ai mang hạt Dổi đi rang như nhiều người hướng dẫn cả. Chỉ có nướng thì mùi thơm của hạt Dổi mới tỏa ra ngào ngạt được. Sau khi đã nướng xong, rồi mới đem hạt Dổi giã nhỏ ra như hình dưới nhé.
Cách nướng hạt Dổi: Chúng ta có 3 cách để nướng & sơ chế như sau
- Nướng trực tiếp trên than hồng, cách này là tốt nhất! Dùng đũa gắp hạt Dổi bỏ lên hòn than nóng đỏ, chỉ vài chục giây thôi, khi nào thấy mùi thơm bốc lên dữ dội là được. Đừng nướng quá lâu, hạt Dổi cháy đen ngay.
- Nướng bằng bếp Gas: Đa phần ở Thành phố, đào đâu ra than mà nướng hạt Dổi, có phải không nào? Các anh chị đừng ngại, mở bếp gas lên, nhỏ lửa thôi. Rồi dùng đũa gắp hạt Dổi, nướng cách ngọt lửa quãng 3cm, chỉ 1 lát là hạt Dổi nở, thơm lừng.
- Nướng bằng Lò Vi Sóng:
CÁCH SỬ DỤNG HẠT DỔI
Hạt Dổi thường được kết hợp với Hạt Mắc Khén, 2 loại gia vị Tây Bắc này hợp nhau như Cậu với Mợ đấy các anh chị ạ. Nói chung, Ẩm Thực Tây Bắc tinh tế ở chỗ kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu, và gia vị tự nhiên sẵn có trong rừng, hoặc trồng ở nhà. Mỗi món có công thức riêng, ở mục này, tôi cũng chỉ viết ra những công thức pha chế & sử dụng Hạt Dổi phù hợp nhất với các món ăn ở Đồng Bằng, ở Thành Phố mà thôi. Còn nhiều món ngon của Tây Bắc có sử dụng hạt Dổi, nhưng có kể ra, các anh chị cũng rất khó tìm được nguyên liệu để làm.
CHÚ Ý: Mỗi lần sử dụng Hạt Dổi, chỉ cần 3, hoặc 4 hạt thôi, đừng cho nhiều quá sẽ bị đắng, khét. Tất nhiên là tùy vào lượng thực phẩm tươi mà ta có thể tăng, hoặc giảm bớt Hạt Dổi, nhưng hãy nhớ, đừng cho nhiều.
1. DÙNG HẠT DỔI ĐỂ PHA THỨC CHẤM:
Chắc chắn rồi, Hạt Dổi thường được dùng nhiều nhất để pha chế thức chấm, đặc biệt hợp để chấm các món luộc như Thịt Lợn, Lòng, Dồi và các loại gia cầm luộc. Để tôi chỉ cho anh chị vài cách pha nước chấm ngon, dễ làm và đặc trưng của Ẩm Thực Tây Bắc như sau:
1. A. CHẲM CHÉO: Đây là món chấm cực kì ngon, và khá cầu kì trong cách chế biến, Chẳm Chéo phù hợp để chấm tất cả các loại thịt, cá, rau, hay măng. Chi tiết về cách làm món Chẳm Chéo, các anh chị đọc kĩ tại đây: https://hoabanfood.com/cham-cheo-huong-dan-cach-lam.html
1.B. CHẲM: Cách pha thức chấm này đơn giản hơn món Chẳm Chéo ở trên. Nguyên liệu cũng đơn giản hơn, nhưng cũng rất ngon, gia đình tôi thường pha chế món chấm này để sử dụng hàng ngày. Phù hợp để chấm cho tất cả các món.
- Hạt Dổi + Bột Canh + Ớt tươi + Mắc Khén: Đây là cách pha nước chấm rất phổ biến của bà con đồng bào Thái Trắng, tất cả trộn đều trong 1 bát nhỏ, mùi thơm của hạt Dổi lẫn với mùi thơm của hạt Mắc Khén, lại thêm vị cay của ớt làm cho món chấm này thực sự quyến rũ.
1.C. HẠT DỔI TRỘN MUỐI: Đây là món chấm cực kì đơn giản, dễ làm, chỉ cần Hạt Dổi trộn đều với Muối rang vàng, hoặc bột canh, là đã có 1 đĩa chấm rất ngon. Cực hợp để chấm các món luộc, ví như Gà/Ngan/Vịt luộc, Thịt Luộc, rồi thì lòng phèo, dạ dày luộc gì gì đó….
2. DÙNG HẠT DỔI ĐỂ TẨM ƯỚP THỰC PHẨM
2.A. ƯỚP THỊT NƯỚNG: Kết hợp giữa Hạt Dổi Rừng & Mắc Khén để tẩm ướp Thịt trong vòng 15 phút trước khi đem nướng. Mùi thơm đặc biệt hấp dẫn, nếu trong trường hợp không có hạt Dổi, thì có thể sử dụng Mắc khén. Nhưng không ai sử dụng riêng Hạt Dổi để tẩm ướp thịt cả, phải kết hợp giữa Hạt Dổi + Mắc Khén.
2.B: ƯỚP CÁ NƯỚNG
Đối với các bác làm món Cá Nướng kiểu Tây Bắc, thì bắt buộc phải có hạt Mắc Khén rồi, nhưng nếu có thêm Hạt Dổi Rừng! Thì mùi vị món cá nướng thành phẩm cực kì thơm ngon. Đây là món làm khá cầu kì, tôi cũng đã có 1 bài viết chi tiết tại đây, các anh chị vui lòng tham khảo: https://hoabanfood.com/ca-nuong-uop-mac-khen.html
2.C. LÀM THỊT GÁC BẾP & LẠP XƯỜNG
Nhiều anh chị được nếm thử món thịt gác bếp, và lạp xường Tây Bắc, thường thấy có mùi vị đặc biệt đặc trưng & hấp dẫn. Đấy là chúng tôi sử dụng kết hợp giữa 2 loại gia vị Tây Bắc, Hạt Dổi & Hạt Mắc Khén để tẩm ướp khi làm thịt gác bếp & lạp xường.
Nhưng vui lòng chú ý, nếu các anh chị làm thịt gác bếp từ thịt lợn, tuyệt đối không dùng Hạt Dổi, mà chỉ dùng hạt Mắc Khén. Chỉ có thịt Trâu/Bò gác bếp mới dùng Hạt Dổi để tẩm ướp thôi.
Cách làm Thịt Gác Bếp, xem chi tiết tại đây: https://hoabanfood.com/cach-lam-thit-gac-bep-tay-bac.html
3: HẠT DỔI + TIẾT CANH
- Cách thức này, tôi không khuyến khích quý anh anh chị sử dụng, bản thân tôi hơn 10 năm nay không động đến 1 thìa nào rồi. Tức là ăn kèm với Tiết Canh! Hạt Dổi nướng, tán nhỏ rồi rắc lên trên bát tiết canh! Mùi Hạt Dổi Rừng rất hợp với Tiết Canh, ai đã từng ăn 1 lần, rồi lần sau không có Hạt Dổi, thật khó nuốt.
Xin nhắc lại, tôi khuyến cáo, không nên ăn tiết canh. Thực sự nếu muốn giữ sức khỏe tốt, không nên ăn món này.