NẤM NGỌC CẨU KHÔ
Nấm Ngọc Cẩu khô chất lượng cao luôn sẵn hàng cùng các sản phẩm rượu & đồ ngâm rượu quý khác phục vụ các bác tại HOA BAN FOOD™, Nhà số 7, Khu liền kề Minori, 67A Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Kính mời các bác ghé thăm, thử rượu
HƯỚNG DẪN NGÂM RƯỢU NẤM NGỌC CẨU
- Túi 500gram, tiêu chuẩn ngâm bình 5L, sử dụng rượu nếp có độ cồn từ 35 đến 45%
- Cho thêm 200ml Mật Ong
- Sử dụng được sau tối thiểu 04 tháng.
CHI TIẾT SẢN PHẨM
Chúng tôi chỉ chọn đúng loại Nấm Ngọc Cẩu tươi già, khai thác tự nhiên từ rừng, thái, phơi “âm can” và sấy cách thủy để đạt chất lược & dược tính cao nhất
Quy cách đóng gói Nấm Khô 500gram/túi, có hạt chống ẩm, miệng túi có khóa Zip, tiện lợi cho các bác lấy sử dụng hàng ngày. Đã hàn kín miệng, đảm bảo hàng giao từ HOA BAN FOOD™ nguyên niêm phong đến tay các bác.
QUY TRÌNH KHAI THÁC & CHẾ BIẾN
Nấm Ngọc Cẩu khô của anh chị em chúng tôi được khai thác tại các cánh rừng già đại ngàn Tây Bắc, chế biến, phơi khô theo kĩ thuật “Âm Can” ngay tại bản.
Video chi tiết khai thác & làm Nám Ngọc Cẩu Khô
_____ LÊN ĐƯỜNG _____
Đợi chờ suốt 1 năm, cuối cùng cũng đến mùa Nấm Ngọc Cẩu mọc trong các dải rừng già của Đại ngàn Tây Bắc. Sắp xếp công việc, tôi lên đường, vì tôi muốn thực tế nhìn tận mắt loại nấm này dưới những tán lá rừng! Cũng như hướng dẫn bà con trên bản khai thác đúng kĩ thuật & yêu cầu của tôi. Vượt 760km đường bộ, tôi đến bản chính, nghỉ ngơi 1 ngày rồi tôi tiếp tục đi sâu vào rừng già.
Tôi và đứa cháu, 2 chú cháu 1 xe máy, đường cũng không xa lắm, nhưng rất khó đi, hầu hết tôi phải xuống đi bộ! Hoặc đủn xe. Đích đến của chúng tôi là 1 bản nhỏ nằm sâu trong rừng già
Đi quãng hơn 1 giờ đồng hồ thì chịu, xe máy không thể đi nổi nữa. Chúng tôi bỏ xe máy lại dọc đường, cuốc bộ đi tiếp. Đứa cháu tôi nó bảo khoảng 20 phút đi bộ nữa là đến bản. Nói là 20 phút, nhưng đi rất khó, vì toàn dốc và khe suối, dép của tôi là loại dép quai hậu, lội qua vài khe suối đứt mất quai. Kệ, cứ đi tiếp, tôi có mang theo 1 đôi giày vải để sẵn trong balo rồi.
Đi mãi cũng phải đến đích chứ các bác nhỉ. Đây rồi, bản nhỏ yên bình nằm khép mình bên dòng suối! Tôi bảo đứa cháu là ngồi nghỉ bên bờ suối, rồi ăn cơm luôn, vì chúng tôi có gói cơm mang theo. Rồi hãy vào bản, trong bản có mấy anh em đã chờ chúng tôi sẵn để vào rừng tìm Nấm Ngọc Cẩu. Tôi không muốn làm phiền mọi người lại phải đi nấu cơm cho chúng tôi, thêm nữa, ăn cơm bên bờ suối trong veo veo như thế này. Cũng thú vị lắm các bác ạ.
Ăn cơm nào, tôi cũng hơi đói thôi, chứ chưa đói lắm. Nhưng phải ăn, vì lát nữa chúng tôi luồn rừng, đi bộ xa lắm. Không ăn làm sao có sức để đi tiếp. Chỉ đơn giản là Cơm nếp nương, thêm vài miếng trứng rán, cơ mà sao ăn ngon thế. he he, chắc tại cảnh đẹp!
Cơm nước xong ròi vào bản nào, nhìn xa thì đẹp. Nhưng lại gần mới thấy hết sự nghèo khó của bà con nơi đây. Những mái nhà vách nứa, cảm chừng khi mùa đông gió về, trong nhà cũng như ngoài trời mà thôi. Nhưng may mắn là mái nhà đều được lợp tôn, dù đã rỉ sét gần hết. Đây là Tôn do nhà nước & chính phủ trao tặng cho bà con để làm nhà. Yên tâm là mưa về không sợ dột, chứ nhà theo kiểu truyền thống của bà con nơi đây, làm bằng mái cỏ gianh! Mát thì mát thật, nhưng nhanh hỏng, dột lắm.
Ở ngoài nom đã thế, vào trong nhà còn thê lương hơn, nhiều gia đỉnh trong nhà chẳng có gì giá trị, may chăng chỉ là cái xoong bằng Gang cũ rích! Đây là 1 trong những bản mà bà con sẽ trực tiếp vào rừng tìm & khai thác Nấm Ngọc Cẩu cho tôi. Mọi người trong bản đã đi gặt lúa nương gần hết, 1 vài nhóm anh em khác thì đã đi vào rừng tìm nấm từ sáng sớm. Chỉ còn 2 bố con gia chủ nhà này là đã được chúng tôi hẹn trước, nên ở nhà chờ chúng tôi.
_____________ VÀO RỪNG _____________
Ngồi trao đổi xong công việc cần làm trong ngày, chúng tôi lên đường ngay. Tôi không muốn đi quá xa, vì nếu đi quá xa chắc phải đi qua đêm, ngày mai mới về được. Mà vùng này hẻo lánh, tôi không quen địa hình, bình thường tôi đi cùng anh em đồng bào Thái đi săn tìm Mật Ong Rừng thì đơn giản, anh em toàn những người “thiện chiến”, chúng tôi có đủ đồ đạc để đi. Chứ lần này, ở bản này là đồng bào thiểu số thuộc dân tộc khác, không “thiện chiến” như anh em người Thái. Nên tôi quyết định chỉ đi trong ngày rồi về ngay bản. Tránh phải ngủ lại trong rừng.
Leo trèo chán, thì lên đến lưng chừng núi. Lúa nương của bà con nơi đây đang chín vàng rộm, đẹp lắm các bác ạ. Chúng tôi đi giữa nương lúa, thật ra, chẳng thú vị lắm vì đường rất khó đi, rậm.
Đi hết nương lúa rộng mênh mang! Lúc này, chúng tôi men theo những khe suối, đường đi rất khó vì rừng già nguyên sinh! Rập rạp và rêu phủ kín các hòn đá, đi không cẩn thận ngã…gãy răng, he he.
Đoạn này đẹp lắm, tôi đi sau, kệ cho mọi người đi trước, đứng lại chụp ảnh 1 mình, đang chụp thì có con rắn to tướng từ đâu nhảy bổ vào nước. Ối giồi, ba hồn bảy vía, tôi chạy thục mạng đuổi theo anh em, vừa thở, vừa sợ. Giữa rừng già đại ngàn, rắn cắn thì chỉ có nước….ngủm củ tỏi. Chứ chữa sao kịp.
Nhiều đoạn chúng tôi phải đu người bám vào những cây mọc ở vách đá trèo lên. 2 bố con nhà anh chàng kia liên mồm hỏi tôi “có đi được không???” he he, yên tâm đê, thế này quá muỗi, nhằm nhò gì mà không đi được.
Đây rồi, đây rồi, Nấm Ngọc Cẩu! Lần đầu tiên tôi được thấy 1 cây Nấm Ngọc Cẩu tươi còn đang sinh trưởng ngay dưới các tán lá rừng rậm rạp. Đẹp thật! Đây là loại nấm đỏ thẫm, chóp nhọn, loại duy nhất mà chúng tôi chọn để khai thác. Chứ không phải mấy cái loại tròn tròn, vàng vàng.
Chúng tôi tỏa đi các hướng để tìm, thú thực là tôi bị con rắn chết tiệt kia dọa. Cho nên từ lúc nhìn thấy nó đến giờ, hồn vía bay lên mây, nên chả dám chui rúc nhiều. Cứ bám theo sau 2 bố con anh chàng kia, ha ha, các bác đừng cười. Gặp rắn trong rừng, sợ vô đối luôn ấy chứ. Đây nữa, 1 cụm Nấm Ngọc Cẩu còn non, mới nhú lên khỏi mặt đất. Tôi nói là còn non, vì chỉ cần nhìn màu của cây Nấm là có thể đoán được tuổi, ví dụ như cây nấm ở ảnh phía trên, màu sậm Bóc Đô, là đạt tiêu chuẩn khai thác rồi. Còn cụm này thì chưa đạt chất lượng tốt nhất!
Không sao, cứ cắt thử lên để tôi xem nào!
Đi tiếp lại lạc vào 1 bãi cây chuối rừng, nhiều lắm! Quả đầy, nhưng loại chuối này không ăn được, vì ruột toàn hột! Loại chuối này chỉ ăn hoa là ngon, hoặc đói quá, móc lấy lõi chuối non ăn cũng ngon lắm.
Đây nữa này, nhìn đẹp chưa các bác.
Cụm nấm Ngọc Cẩu này mới là đẹp này. Tôi bảo anh em phủi sạch lá cây mục xung quanh cụm nấm để chụp ảnh cho đẹp.
Khoan, các bác từ nãy đến giờ nhìn thấy Nấm Ngọc Cẩu mọc từ đất, nhưng thực ra, chúng hoàn toàn không mọc từ đất. Mà mọc từ 1 loại rễ cây, chỉ đúng rễ từ 1 loại cây duy nhất là có Nấm Ngọc Cẩu mà thôi. Các bác nhìn vòng tròn màu vàng mà tôi đã đánh dấu nhé. Đây chính là loại rễ cây mà Nấm Ngọc Cẩu kí sinh. Theo 1 số người già ở vài bản mà tôi đã hỏi, thì cây mà Nấm Ngọc Cẩu kí sinh là cây gì, mọi người bảo không biết tên tiếng Kinh, nhưng đây là loại cây mà bà con hay dùng để lấy lá nhai khi bị đau bụng.
Lẽo đẽo theo sau 2 cha con anh chàng này. Mắt tôi cũng đảo như rang lạc, he he, không phải là tôi tìm nấm, mà mắt liếc ngang liếc dọc để xem có con gì, đại khái như kiểu con rắn nằm đâu đó quanh đây thôi. Haizzz, chết ai mà chả sợ, có phỏng các bác?
Lần mò mãi cũng khá mệt, tôi bảo thôi hôm nay thế này nghỉ, về thôi. Ngày mai anh em tự đi vào rừng tìm sau, giờ tôi phải quay về bản chính gấp để dặn mọi người ở bản làm Nấm Ngọc Cẩu Khô. Vì hôm qua có 1 lô nấm già đã chuyển về bản, nhưng sáng nay chúng tôi phải đi từ sớm, nên tôi dặn mọi người là giữ lại, đợi tôi về mới được mang đi rửa, thái.
Lại tiếp tục băng qua những cánh rừng, những nương lúa đẹp mê ly. Khà khà, mệt bở hơi tai nhưng kệ, cứ chụp mấy kiểu ảnh đã.
Mò mẫm “lên bờ, xuống ruộng” đúng là như thế này thật các bác ạ. Quần áo ướt sũng vì lội nước
Đến khe suối gần bản, chúng tôi ngồi nghỉ, tôi bảo anh em mang hết số nấm đã khai thác được ngày hôm nay ra. Tôi chỉ, hướng dẫn chi tiết mọi người nên khai thác như thế nào để đạt chất lượng tốt nhất. Dặn dò kĩ càng là anh em không được tham, phải đợi Nấm Già rồi mới khai thác. Chứ lấy Nấm Non về, tôi cũng tuyệt đối không thu mua.
Xong xuôi, chúng tôi cuốc bộ, lấy xe máy mò mẫm về bản chính. Đây, số nấm già mà hôm qua có 1 nhóm anh em đã đi tìm được cho tôi. Để sẵn ở bản đây rồi.
_____ LÀM NẤM NGỌC CẨU KHÔ ____
Nào nào, đối với nấm tươi để kinh doanh thì cần phải đóng gói, chuyển về Thủ Đô cho tôi ngay. Nhưng còn nấm khô, tôi hướng dẫn bà con làm luôn trên bản. Việc đầu tiên là phải mang Nấm Ngọc Cẩu đi rửa thật sạch, gốc & củ nấm bám nhiều đất lắm, nên phải dùng bàn chai cọ rửa thật kĩ
Đây, cả phần bông & củ đã được rửa kĩ càng.
Phần Củ rất nhiều đất bám ở các kẽ, khi dùng bản chải đánh sạch, củ nấm có màu vàng rất đẹp mắt như thế này.
Thái ra nào, Nấm Ngọc Cẩu tươi phải thái ra rồi mới mang phơi, chứ không thái, rất khó để làm khô nấm. Tôi đã thử nghiệm 2 lần khi phơi nguyên cả củ nấm, nhưng thất bại vì bên trong phần bông nấm chứa toàn nước, rất khó khô. Năm nay tôi có kĩ thuật mới để phơi khô nguyên củ, chắc chỉ vài ngày nữa là có kết quả trên bản báo về. (Khi gõ những dòng này, tôi đã về đến HN rồi)
Thái xong xuôi hết rồi mới đem phơi, nhưng phơi Nấm Ngọc Cẩu cũng kì công lắm. Tuyệt đối không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, tôi có 1 số khách hàng am hiểu về Nấm Ngọc Cẩu, cũng như 1 số anh em làm Đông Y dặn dò kĩ lưỡng là khi phơi, phải phơi dưới bóng râm! Lý do là Cây Nấm Ngọc Cẩu sinh trưởng dưới những tán lá rập rạp, không có diệp lục, không cần đến ánh nắng mặt trời. Nếu phơi trực tiếp dưới ánh nắng, sẽ phá hủy hầu hết dược chất của nấm. Haizzz, tôi nào có làm nghề Đông Y, cũng chẳng phải Thầy Thuốc. Nhưng nghe anh em trong nghề dặn thế, thì nên làm theo, anh em bảo phơi như này gọi là phơi ÂM CAN.
Dù không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, nhưng phải chọn điểm phơi khô thoáng, nhiều gió, không khí nóng thổi liên tục thì Nấm mới mau khô. Chỉ khoảng 2 ngày là miếng Nấm đã héo, lượng nước đã bay hơi gần hết. Tiếp đó, chúng tôi mới chuyển sang công đoạn tiếp theo: SAO CÁCH THỦY.
Sao Cách Thủy khá đơn giản, nó giống như chúng ta thường Sao Ruốc Thịt ấy, đặt 1 chiếc thau nhôm lên trên 1 chiếc nồi to, bên trong nồi đổ nước. Rồi bỏ nấm lên trên miệng thau, cứ đun nhỏ lửa, thau sẽ nóng bằng hơi nước, nấm sẽ khô dần dần mà không bị cháy. Ôi dào, ở đây củi bạt ngàn, cứ đun thoải mái đi.
Cứ sao như vậy, thi thoảng đảo đều lên. Khi nào thấy miếng Nấm khô hẳn, đã có mùi thơm bốc lên là được. Để ngoài cho nguội rồi đóng gói thật kín ngay.
Nâm Ngọc Cẩu Khô thành phẩm
Nấm Ngọc Cẩu Khô, quy cách đóng gói: 500gram/túi