SĂN MẬT ONG RỪNG TRONG ĐẠI NGÀN TÂY BẮC (THÁNG 4/2013)
– PHẦN 3: PHẦN THƯỞNG –
19:30 – Trời tối hẳn rồi, bắt đầu thôi! Đèn pin mỗi người 1 cái đeo đầu, sáng choang! Phải xẻ túi nilon ra cho to bản, lát nữa gói tổ ong xuống cho dễ.
19:45 – Thiệu bắt đầu trèo lên trước, Thiếc lên sau. Trời tối mà thằng ku này cứ trèo thoăn thoắt ấy, thoáng cái đã thấy nó bảo lên đến nơi rồi.
Bọn em có mang theo 2 quận dây thừng rất dài, không phải để bảo hộ! Mà để lát nữa Thiếc cầm 1 đầu dây trèo lên, vắt ngang vị trí tổ ong, làm ròng rọc để thả mật xuống.
20:15 – Thiệu & Thiếc đã lên đến vị trí. Đuốc cầm theo được buộc giẻ tẩm dầu hỏa, nào….ĐỐT………..
Ong bay toán loạn ra khỏi tổ, 1 phần trong số chúng sẽ đậu sang 1 cành khác, phần còn lại cứ bay xung quanh tổ! Tấn công dữ dội kẻ xâm phạm lãnh thổ của chúng.
Em dùng ống kính Canon 50mm, mở khẩu độ f1.8, tăng ISO lên 800. Dọi thêm mấy ánh đèn pin vào mà cũng chỉ chụp được như thế này. Giá như chiều nay trèo được, em chụp được những tấm hình ở vị trí như thế này, hẳn là đẹp & hoành tráng lắm.
Đốt 1 lúc thì chỉ còn 1 ít ong thợ bám ở tổ sáp, đã bắt đầu nhìn thấy sáp & bầu mật rồi
Dưới gốc cây bọn em đốt 1 đống lửa to, vừa là để dụ ong bay xuống, thứ nhì là để soi sáng xua đuổi rắn rết, hoặc 1 vài thứ ĐÁNG_SỢ_NÀO_ĐÓ_ĐANG_ĐỨNG_TRONG_LÙM_CÂY
Thiệu ở trên đã cắt xong tổ ong, bọc vào túi nilon, cho vào ba lô con cóc rồi ròng dây xuống rồi đây. Kéo vào thôi.
Mới được 1 chuyến mật đã thấy Thiệu & Thiếc xuống. Ngồi thở & xuýt xoa vì bị ong đốt và bảo “Lấy mỗi tổ to nhất thôi, mấy tổ kia đang làm mật, phải tầm 10 ngày nữa lấy mới có nhiều mật”. 2 ông kễnh này bị ong đốt cỡ chục con, nhưng lạ là không bị sưng tấy.
bị đốt quen rồi, không sao đâu. 2 đứa ngồi soi đèn, tìm kim ong lúc nãy bị đốt để lôi ra.
Ba lô đựng mật đây rồi, mở ra xem nào.
Năm nay mùa ong rừng bắt đầu muộn và kết thúc sớm. Mãi đến tháng 4 mới có mật, và giữa tháng 5 đã bắt đầu ít mật rồi. Mật ong rừng có đặc điểm khác nhau theo từng đợt thu hoạch đấy các bác ạ:
– Đầu mùa: Mật màu vàng chanh, loãng. Khá thơm
– Giữa mùa: Mật màu vàng sậm, đặc hơn, và thơm cực kì.
– Cuối mùa: Mật sậm cực kì, như màu hổ phách, rất đặc nhưng không thơm bằng đợt giữa mùa.
Tổ này già lắm rồi, mật đặc, màu hổ phách rất đẹp mắt.
Đây, cả bầu mật & tổ sáp to tướng đây. Lúc nãy sáp rơi xuống bị vướng vào ngọn cây, đứt làm 2 mảnh, bọn em tìm lại được 1 nửa, còn 1 nửa không biết lăn ở chỗ nào! Vì trời tối, vực dốc lắm nên khó tìm. Có 1 quy định bất di bất dịch, ấy là khi 1 nhóm cùng nhau làm 1 việc gì, ví dụ như bắt cá, trèo ong, hay đi săn. Thì chiến lợi phẩm thu hoạch được của buổi hôm ấy sẽ được chia đều cho tất cả thành viên trong nhóm, không kể già trẻ, trai gái, ai cũng có phần bằng nhau hết. Số mật ong này, mai em sẽ được chia mấy lít, có chút công sức của mình, em mang về làm quà để biếu tặng, chứ không bán chỗ mật này.
22:00 – Thôi đi về, bọn em men theo khe núi để về bản! Nhiều đá rêu trơn lắm, em bị ngã 1 phát trầy hết đầu gối. Mấy anh em đều chặt thêm mỗi người 1, 2 cây chuối rừng để về thái cho Lợn, Vịt ăn.
nặng lắm, đi cả ngày đã mệt rồi mà giờ vẫn vác được, không nhận các anh em khỏe & dẻo dai thật sự.
Em được anh em ưu tiên cho đi vào giữa nhóm! Em có dừng lại 2 lần để rút máy ảnh ra chụp, Thiệu & Thiếc luôn dừng lại, đứng đợi đằng sau. Lý do không nói ra nhưng em hiểu, đi vào rừng già, người đi đầu & người đi cuối cùng rất hay gặp phải nguy hiểm, có thể là rắn, có thể là trượt ngã, có thể là thú dữ tấn công….ôi, sợ lắm.
22:45 – Đã ra đến đường, còn cách bản ~3km nữa! Lúc nãy Thiếc đi xe máy rồi để ở đây, giờ đèo 1 người về rồi lấy thêm xe lên chở anh em về nốt.
23:15 thì về đến bản, người nào về nhà nấy tắm giặt, hẹn sang nhà anh Thêm ăn cơm. Hôm nay chị Chăn đi ra ruộng nhà, túm 2 em vịt bầu về xào, cơm canh tươm tất đợi sẵn ở nhà rồi. Đêm nay cơm có cả Cá rán, lũ cá mà tối hôm trước em đi thả lưới cùng được chia, thêm 1 đĩa ngọn non cây dừa nước lúc chiều chặt, xào ăn ngon hơn cả măng ngọt.
Vậy là 1 ngày mệt mỏi đã qua đi, giờ mấy anh em ngồi Kin Lẩu (uống rượu), phét lác đủ thứ trên đời, ai cũng vui. Em vui vì kế hoạch đã thành công, đi đến nơi, về đến chốn, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Các anh em trên này coi em như người nhà, có người thì mới biết em, có người thì đã biết em từ khi em còn bé, trong thâm tâm, em cảm kích & quý trọng vô cùng những người anh em nghèo vật chất – nhưng giàu tình cảm này. Chuyến này đi về HN, em sẽ sửa ảnh, in ra tặng mỗi người 1 ít, hẳn là mấy anh em sẽ vui lắm, những kỉ niệm như thế này, biết bao giờ quên???!!!! Ơn trời, cơm no, rượu say rồi, giờ đi ngủ 1 giấc đã đời thôi.
MẬT ONG RỪNG THÌ VẮT NHƯ THẾ NÀO???
Sáng hôm sau, em dậy muộn, cơm trưa xong mới lấy số mật ong hôm qua ra vắt. Chiều nay nắng to quá, không ngồi vắt ở trên sàn nhà như đợt trước được, vác luôn xuống gầm sàn cho mát.
Tổ ong này khá “Già” rồi, mật đã đặc quánh. Nếu tổ này để nguyên trên cây, thì chỉ khoảng nửa tháng nữa, ong sẽ ăn hết mật rồi bay đi nơi khác, bỏ lại sáp tổ lủng lẳng – không mật trên cây mà thôi. Đầu tiên vẫn phải nhặt hết ong ra đã, không có vắt lẫn vào mật có mùi hôi khó chịu lắm.
Xong rồi nắm sáp lại, vắt bằng tay trước đã.
Đây, từng cục sáp ong đã vắt bỏ mật. Nhiều người bảo cái này dùng để chữa bệnh hay làm đẹp gì gì đó, nhưng em thấy cái này chả có tác dụng gì nhiều, ngoại trừ việc dùng trong thêu thùa, khâu vá. Chị em trên này thường tuốt sợ chỉ khâu qua sáp ong để khi khâu vá dễ hơn mà thôi. Hôm về em quên béng mất không cầm theo vài cục về nhà! Chả sao, em dặn anh Thêm giữ lại cho vài cục rồi, khi nào em lên lấy.
Lần này em mua 1 ít vải voan mỏng, mang lên bản, bảo chị Chăn (vợ anh Thêm) khâu thành cái túi để vắt mật cho tiện. Chứ vắt bằng vải thường hay bị dây mật lắm. Các bác nhìn xem, mật ong đợt này đã vào cuối mùa rồi, đặc lắm.
Anh Thêm là người rất hiền, lúc nào cũng cười được, phải chăng cuộc sống ở đây không quá bon chen, xô bồ như ở thành thị, nên con người cũng lạc quan, yêu đời hơn. Số mật này, em cầm 5 lít về trước để làm quà biếu họ hàng, bạn bè thân hữu, dù sao mật ong có công mình góp sức vào, tự tay đi thu hoạch, cũng cảm thấy quý giá hơn.
Đang làm thì có mấy chị em trong bản mang mật ong đến, anh Thêm đã đi từng nhà, dặn là nếu bắt được mật ong thì cứ mang đến để gom lại cho chú Tưn ( :)) Buồn cười lắm, em tên Tân, nhưng anh chị em trên này nói tiếng Phổ thổ thông không sõi, cứ gọi là TƯN)
Mật ong em đặt cả bản, mỗi nhà 1 ít, có bao nhiêu em thu mua hết bấy nhiêu. Nhưng cũng chả được nhiều, có nhà thì chục lít, có nhà thì vài chai. Gom hết, kiểm tra mật rồi mới đổ vào can 20 Lít. Năm nay mùa ong mật bắt đầu muộn (mãi đến tháng 4 mới có mật thay vì tháng 3 như mọi năm) và kết thúc sớm (cuối tháng 5 đã hết mùa rồi).
Thanh toán luôn nhé, tiền em đã giao hết cho chị Chăn & anh Thêm rồi, cứ rút ra mà trả cho chị em thôi. Em trả giá cao hơn hẳn so với giá bình thường ở đây, nhưng phải đảm bảo mật vắt sạch, không lẫn con non. Còn chuyện liệu mọi người bán mật đểu cho em thì sao? 🙂 Không bao giờ có chuyện đó, thứ nhất là những nhà em thu mua hầu hết đều có quan hệ họ hàng với anh Thêm, bà con chả bao giờ làm láo cả. Thứ nhì là mật ong rừng luôn có những đặc điểm riêng (thơm lừng, nếm thử rất khé cổ….), làm nghề như em, hoặc tiếp xúc với mật ong rừng từ bé như anh Thêm thì chỉ cần nhìn, nếm thử là biết ngay, đâu cần phải thử & kiểm tra theo cách này, cách kia….như trên mạng vẫn thường dạy.
Ngồi chơi 1 lát rồi mọi người về, can mật này cũng là mật cuối mùa, rất đặc, màu vàng sậm. Thơm ngon vô cùng.
Bài viết độc quyền của HOA BAN, mọi trích dẫn yêu cầu ghi rõ nguồn tin từ hoabanfood.com
Tân – HOABANFOOD | Lai Châu – 4/2013 | facebook.com/mobigraphy