Săn Mật Ong Rừng – Tháng 4/2013 – Phần 2

SĂN MẬT ONG RỪNG TRONG ĐẠI NGÀN TÂY BẮC (THÁNG 4/2013)

 – PHẦN 2: CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI LẤY MẬT

Chà chà, ngồi từ tối đến giờ em mới chọn & sửa xong ảnh! Giờ em ngồi biên nốt phần 3 hầu các bác nhé. Leo lên, trượt xuống mãi rồi bọn em cũng đến nơi! Cả nhóm phát sạch sẽ khu vực quanh thân cây Mạy Nguội có tổ ong để lát còn làm việc. Làm điếu thuốc, mở 1 bài nhạc bằng điện thoại nghe cho vui tai nào.  bố vợ ku Việt đi chặt ống nứa tươi để làm ống điếu thuốc Lào, tiện lợi quá.

Những cây cổ thụ như thế này thường có khá nhiều tổ ong rừng, anh em trên này vừa đi tìm, hoặc vô tình đi rừng lấy củi, lấy măng nhìn thấy. Mọi người có quy ước với nhau, nếu ai nhìn thấy cây có tổ ong lần đầu tiên trong 1 mùa, thì chặt vào gốc cây 2 đường chéo nhau như trong hình dưới, người khác mà nhìn thấy vết chém còn tươi như vậy, tức là đã có người đánh dấu để trèo, tuyệt đối không được xâm phạm. Hay chưa? Bà con dân bản hầu hết đều có quan hệ họ hàng, thông gia, xa hoặc gần….nhưng rất tôn trọng & sống thật thà.

Ong rừng thì hẳn là sống & làm tổ quanh năm trong rừng, nhưng đâu phải lúc nào cũng có mật. Mùa ong rừng Tây Bắc chỉ bắt đầu từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 6 Dương Lịch là kết thúc, đây là thời điểm thời tiết hanh khô, ong tập trung làm mật trước khi mùa mưa kéo về! Cũng chỉ có thời điểm này tổ mới có nhiều mật, chứ vào những thời gian khác trong năm, cả tổ to bằng cái chiếu đơn chắc cũng chỉ có 1, 2 chai mật mà thôi. Em kinh doanh món này, phải gom vốn, thu mua lại hết của anh em trong vài tháng ngắn ấy để bán cả năm, đắt hàng thì hết nhanh, phải đợi đến mùa sang năm mới có hàng bán tiếp, chứ đâu phải lúc nào cũng có mật ong rừng để thu mua đâu.

Đi trèo ong rừng thì ít nhất phải có 2 người, nếu đi xa, cây cao, hoặc có nhiều tổ thì 4 đến 5 người thành 1 nhóm là hiệu quả nhất. Không phải đơn giản cứ thấy tổ ong là trèo đâu, nhiều công việc phải chuẩn bị lắm. Đầu tiên là phải đi chặt cây nứa khô, càng nhiều càng tốt, chất thành đống dưới gốc cây! Ong vốn dĩ sợ & kị khói lửa, ta đốt lửa, chất thêm lá cây tươi vào thì khói um tùm! Bốc lên vào tổ ong là chúng bay dạt ra hết. Việt & bố vợ trèo tít lên sườn núi bên kia để chặt nứa, gom được 1 đống đây rồi.

Gặp những tổ ong ở cây thấp, hoặc có dây rừng bám vào thân cây thì dễ trèo. Chứ gặp những cây đại thụ, thân thẳng đứng như thế này thì phải gặp tay nào gan dạ lắm mới dám trèo. Cả bản đông dân thế, nhưng cũng chỉ có khoảng chục người là dám trèo mà thôi, cũng chả cần dây nhợ gì, anh em lấy cây nứa tươi buộc lại thành 1 cây dài, bắc lên thành thang để trèo, nhưng năm nay cây nứa ở khu vực này chết hết, chỉ có cây khô giòn không thể làm thang được! Lúc mới đầu, em không hiểu làm thế nào để ku Thiệu có thể trèo lên được, ấy vậy mà thằng này lắm chiêu trò lắm, nó & Thiếc có 1 cách mà cả bản chưa ai biết & dám làm.

Cu cậu chặt những cành cây to cỡ cổ tay, chặt thành từng khúc khoảng 40cm! Lấy đinh 10 đóng 2 đầu lại. Để đóng vào thân cây rồi leo.

Quái quỷ thật, lúc nhìn Thiệu làm, em vẫn thắc mắc, đóng kiểu gì, trèo như thế nào. Và đây, các bác nhìn xem cái thằng liều mạng này nó làm. Thiệu đeo ba lô, chứa khoảng chục cái khúc cây đã đóng sẵn đinh, cứ đóng từ dưới gốc cây đóng lên, 1 tay bám, 1 tay đóng đinh. Giời ạ, nguy hiểm vô cùng, nếu chẳng may đinh tuột, hoặc tay bám không chắc….hoặc…hoặc….t hôi, em chả dám nghĩ nữa.

Cứ leo dần lên, đóng hết khúc cây trong ba lô thì Thiệu lại leo xuống, cầm thêm chục cái, lại leo lên, đóng tiếp. Bịch bịch, cốp cốp 1 lúc thì cu cậu cũng đã đóng đến đoạn chạc của cây Mạy Nguội.

trèo bắt ong rừng
Nhìn mấy tấm hình trên, chắc các bác nghĩ thân cây thấp, bé….hi hi, nhìn đây nhé.  từ chỗ cu cậu đang ôm thân cây kia xuống gốc cũng cỡ khoảng 40m, chưa kể cây này mọc ở sườn núi dốc, nhìn sang bên kia thì….hết hồn.

Tổ ong rừng
Để em đánh dấu vị trí mấy tổ ong lại cho các bác dễ nhìn nhé. Tổ bé nhất bằng cỡ cái nón, to nhất thì hơn 1 sải tay người lớn. Để chụp những ảnh như thế này, em phải leo lên sườn núi, cao ngang tầm với tổ ong, phát quang hết cây cối đi rồi đứng chụp.

cây đại thụ có tổ ong rừng
12:30 phút thì việc “đóng thang” đã xong, trời vẫn nắng gắt 35, 36 độ! Vẫn chưa có 1 cơn gió nào, dù nhẹ,  các bác đừng mong gió vào thời điểm này, không có gió mới là tốt, chứ có gió là hỏng ăn ngay. Còn vì sao hỏng ăn, mời các bác kiên nhẫn xem tiếp nhé.

Ngoài số củi Nứa đã lấy đủ để dưới gốc cây để tạo khói xua ong, bọn em phải chuẩn bị vài bó đuốc. Đập dập thân cây nứa ra, buộc thành bó dài cỡ 1.5m, thật gọn để người trực tiếp trèo bắt ong cầm lên đốt xua ong sát tổ.

13:00 – ngồi nghỉ 1 lát thì bắt đầu có mây đen kéo về phía bên kia núi, cả nhóm lo lắng, có mây đen là có mưa & gió! Bây giờ mà gió thổi về thì chỉ có nước…hỏng ăn, khói làm sao bay lên tới vị trí của tổ ong được. Phải nhanh tay, nhanh chân lên thôi.

13:15 – bọn em bắt đầu đốt lửa dưới gốc cây, chặt cành cây & lá cây tươi ném vào đống lửa! Khói bay mù mịt, ngập trời.

13:30 – Thiệu đã đeo đồ nghề gồm 1 con dao, 1 ba lô con cóc, vài cái túi bóng nilon loại lớn (để gói mật ong). Trèo sẵn lưng chừng cây đợi. Khi nào khói bốc mù mịt lên sát tổ ong thì mới leo lên tiếp.

Việc trèo bắt ong ở cây có nhiều hơn 2 tổ vào thời gian ban ngày là rất nguy hiểm, đang hun khói ở tổ này, thì tổ kia lao ra tấn công. Bình thường như với cây Mạy Nguội có 6 tổ ong như này, anh em chỉ dám bắt vào ban đêm. Nhưng vì để em chụp ảnh, quay video lại hành trình bắt ong rừng Tây Bắc nên Thiệu mới quyết tâm & nhiệt tình đến thế.

13:45 – Điều cả nhóm lo ngại, và nhất là em, cầu mong đừng xảy ra ngay hôm nay cũng đã đến. Gió kéo về, ban đầu thổi rung rinh ngọn lá, rồi to dần. Khói bay lên lưng chừng là bị gió tạt đi hết, không thể nào tập trung để bốc lên đến tổ ong được , giá như tổ ở vị trí thấp hơn thế này khoảng 1 nửa thì ổn. Nhưng ở đây, tổ sát nhất cũng cách mặt đất khoảng 55 -> 60m.

14:15 – Cả nhóm liên tục chất thêm củi, thêm lá cây tươi để tạo khói, nhưng gió to quá! Hết hy vọng rồi, bọn em lại dập tắt lửa, mong sao đến cuối giờ chiều sẽ không còn gió. Mệt & đói, mấy anh em ngồi nghỉ dưới gốc cây, tâm lý cũng khá chán! anh Thêm lọ mọ đi chặt mấy cái cây như cây dứa dại, moi lấy lõi về chia nhau nhai cho đỡ đói, ăn chả có vị gì, nhưng thôi. Cứ nhai cho no bụng đi.

15:30 – Càng lúc gió càng to, vị trí này là khe núi, càng về chiều, gió càng mạnh và chắc chắn là đến sáng mai cũng chưa hết gió. Bọn em đã tính đến phương án trèo ban đêm nhưng lại thiếu khá nhiều dụng cụ như đèn pin (lúc đi chỉ cầm theo có 2 cái), dầu hỏa….và quan trọng nhất là thực phẩm, đồ ăn tối. Lúc đầu cả nhóm thống nhất để a Thêm quay về bản, lấy thực phẩm, đèn pin rồi quay lại, nhưng em không đồng ý, đi đi – về về như vậy rất mất thời gian & sức khỏe. Em bảo Thiệu gọi về bản xem ku Thiếc đã đi gặt lúa về chưa, nhờ nó mua thực phẩm & đồ ăn cầm vào cho! Nếu Thiếc đi theo đường cũ bọn em đi thì vất vả, còn 1 con đường nữa dài hơn, nhưng dễ đi hơn, ấy là đi xe máy từ bản dọc theo đường khoảng 3km, rồi chui theo khe núi vào đây! Bốc máy alo 1 phát là ku Thiếc đồng ý luôn, hẹn lát nữa đi gặt về sẽ vào với anh em luôn.

Ngồi chơi dưới tán cây rừng, ngửa cổ lên thì bọn em bắt được 1 tổ ong bé tí xíu, chả hiểu là ong gì, nhưng không biết đốt! Cứ bò bò vào người như ruồi vậy. Mỗi anh em làm 1 miếng nào.

mật & tổ ong rừng
mật & tổ ong rừng
17:00 – Đói cồn cào, em chỉ cầm đi theo 5 gói lương khô nhỏ xíu, chia nhau ăn hết rồi mà vẫn đói. Đi tìm thứ ăn thôi, he he, ở trong rừng già nghe chim kêu vượn hót chỉ vui tai khi no bụng, chứ đói thì chả làm được cái gì đâu. Cách vị trí bọn em nghỉ xuống vực khoảng 50m là khe nước, có rất nhiều cây thuộc loài dừa nứa, to lắm. Mấy anh em hạ cả cây to uỵch, toát mồ hôi, chầy cả tay mới lấy được cái lõi ngọn của nó. Ôi, cái này ăn tuyệt lắm, ngọt, mềm & nhiều nước như củ đậu ấy. Nhưng ăn vừa thôi, đừng ních cho căng bụng mà say chết.

18:00 – Ôi ông Tiên đây rồi, ông tiên hiền từ mang rất nhiều đồ ăn cho bọn em đây rồi.  ku Thiếc vừa thở hổn hển, vừa bảo “em vừa ở ruộng về nhà, chưa kịp thay quần áo, ra quán quen mua chịu mì tôm, lương khô, nước ngọt rồi vào đây luôn”. Ờ ờ, đúng rồi, phải lấy nhiều vào, tí về mình gửi tiền chủ quán đầy đủ, không lo đâu.  thằng ku Thiệu mồm vẫn còn nhồm nhoàm nhai ngọn dừa nước, em cũng thế, mồm thì nhai, 1 tay cầm miếng ngọn dừa, 1 tay cầm máy ảnh. Đói nên tay run, chụp bị nhòe thế đấy.

19:00 – he he, dạ dày đã không còn kêu réo nữa! Cả nhóm ngồi chơi, hút thuốc lá vặt, kể đủ thứ chuyện trên đời để chờ trời tối hẳn rồi mới trèo bắt ong.

Xin vui lòng click vào đây để xem tiếp phần 3: hoabanfood.com/san-mat-ong-rung-4-2013-p31.html

Bài viết độc quyền của HOA BAN, mọi trích dẫn yêu cầu ghi rõ nguồn tin từ hoabanfood.com

Tân – HOABANFOOD | Lai Châu – 4/2013 | facebook.com/mobigraphy

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *