SĂN MẬT ONG RỪNG TRONG ĐẠI NGÀN TÂY BẮC (THÁNG 4/2013)
– PHẦN 1: LÊN ĐƯỜNG –
Hẳn nhiều bác còn nhớ chuyến đi hồi tháng 4/2013 của em, khi em cùng mấy anh em men theo dòng Sông Đà để bắt mật ong rừng! Chuyến đi đó, mưa nhiều! Bọn em chỉ dám trèo 1 tổ be bé, ở cây thấp! Sau 1 tháng, em về đã sắp xếp, kết nối & dặn dò các anh em trên bản chi tiết công việc, cho nên đợt này đi, mọi việc em cũng đã có kế hoạch rõ ràng. Sau ngày đầu tiên khi kế hoạch sang bên kia Biên giới để bắt ong rừng THẤT BẠI. Bọn em chuyển sang phương án B, bắt ong rừng ngay gần bản, đây là phương án thay thế, vì tổ ong phía bên kia Biên giới to hơn rất nhiều, và 1 cây có hơn chục tổ!
Đêm hôm trước rời khỏi lán của bố mẹ vợ anh chàng Thiếc, bọn em về bản ngủ, sáng hôm sau nấu cơm ăn sáng xong, chuẩn bị đồ đạc! Bọn em lên đường, cách bản khoảng 4km đi sâu vào rừng, Thiệu & Thiếc đã chọn & đánh dấu sẵn 1 cây cổ thụ có tổ ong rừng để thu hoạch từ trước! Trước kia em cũng không nghĩ rằng lại có nhiều ong rừng đến như vậy, và bây giờ, em sẽ ghi lại những hình ảnh rõ nét nhất về việc thu hoạch mật ong rừng nó như thế nào gửi tới các bác.
10h sáng, bọn em bắt đầu rời bản! Để đến được đích, phải leo hết 1 ngọn núi, đi dọc sườn núi, và cuối cùng là trèo xuống sườn núi bên kia, nơi đích đến đang chờ. Đoàn gồm 5 người, gồm Em – anh Thêm – Thiệu – Việt – và bố vợ Việt, hành trang cố gắng nhỏ gọn nhất có thể vì anh em đã nói trước, đi khá xa và khó đi.
Bắt đầu đi vào bìa rừng, trời nắng 35, 36 độ, không 1 tí gió. Mới leo được khoảng 200m đã mệt đứt hơi.

Lên được lưng trừng núi, nhìn sang bên cạnh, bản nằm gọn trong tầm mắt, phía đất đỏ đỏ ở trên chính là vị trí tái định cư sau này, khi nước thủy điện Lai Châu dâng. Hầu như toàn bộ bản phải di chuyển lên vị trí mới.


Cả đoàn cứ lầm lũi mà đi, không còn hơi mà nói chuyện, chứ đừng nói gì đến chuyện trêu đùa nhau như khi đi xe máy hoặc đi thuyền trên sông Đà.

Leo được 30 phút thì….đứt hơi. Mồ hôi ướt hết áo, như nhảy xuống nước vậy! Thật may cho em là em có mang theo khăn mặt, vừa đi, vừa thấm mồ hồi, ấy thế mà chẳng xuể đâu, ròng ròng ướt hết cả kính cận!

Mới ngồi nghỉ được 2 phút, thở còn chưa xong thì cái lũ Vắt khốn kiếp này đánh hơi người, bò dưới đất lổm ngổm như…kiến vậy! Cái lũ hút máu người này thực sự rất đáng sợ, chúng đánh mùi rất nhanh, leo thoăn thoắt lên chân và bu miệng lại hút máu! Ai không biết mà để chúng hút, chỉ 1 thoáng thôi là con vắt căng tròn, chứa đầy máu tự thả mình rơi xuống đất, để lại 1 vết thương nhỏ tí xíu, và không cầm được máu, cứ thế chảy.
Ở HN, em đã mua chục lọ thuốc chống muỗi Softfell để tặng anh em trên này, trước lúc leo núi, anh em đều đã bôi vào chân, cái thứ này chống muỗi hiệu quả, và chống vắt cũng rất tốt. Lũ vắt cứ loe ngoe thế, nhưng bám vào da đã bôi thuốc là chúng co vòi, chạy ngay. Em đeo giày, ống quần túm lại bỏ vào trong tất, bôi thêm 1 ít Softfell bên ngoài tất nữa. he he…các bạn vắt cứ thi nhau trèo, rồi lại rơi. Nhìn…thương lắm , nhưng đấy là bôi chân, còn ngồi thế này, vắt nó bò vào người thì toi, vừa nghỉ được đôi phút lại giục nhau lên đường, chứ ngồi đây mà lấy que khều vắt cũng chết mệt.
Hành trình lại tiếp tục, sau khoảng 20 phút leo dốc thì cũng đã đến đỉnh núi, bằng phẳng hơn, đi đỡ mệt hơn nhiều! Tuy nhiên, càng lên đây, càng nhiều vắt. Anh em cố gắng bước rảo chân thật nhanh, liên tục để ý xem có vắt bám không! Tay cầm sẵn 1 que nhỏ để khều

Đi 1 lúc thì gặp lán xẻ gỗ của mấy anh em dân bản, hiện tại Kiểm lâm cho phép bà con ở đây xẻ gỗ để làm nhà tái định cư, nhưng chỉ được xẻ đủ số lượng cần cho việc làm nhà mới! Không được phép xẻ mang bán! Ngồi lên mấy tấm gỗ này, tránh được vắt, anh em nghỉ ngơi cho lại sức đã.

Vừa nghỉ, vừa tranh thủ kiếm tra quần áo, người ngợm xem có con vắt chết tiệt nào chui vào không. Em thì không bị phát nào, nhưng mấy anh em còn lại, dù đã bôi thuốc, ai cũng bị ít nhất 1 con cắn, máu cứ trào ra! Em phải lấy thuốc lá ra đưa cho anh em trít vào vết cắn. Nào, bôi thêm thuốc Softfell nào, bôi nhiều vào, còn mấy lọ nữa cơ mà, thoải mái đi.

Leo lên đến đỉnh núi, rồi cũng đã đến điểm leo xuống phía vực bên kia. Ôi trời ơi, trèo lên đã khổ, giờ leo xuống vực cũng khổ chả kém, hồi bé bao lần đi câu cá, lạc trong rừng, phải vạch cây, tìm đường mà xuống rồi cho nên vụ này, với em cũng bình thường chứ chưa đến mức kinh khủng lắm.

Lúc leo lên thì men theo đường mòn, còn lúc trèo xuống bờ vực bên kìa thì…cứ vạch cây mà đi thôi! Em note mấy điểm này, các bác lưu ý khi trèo rừng, núi:
- Tận dụng tất cả những cây mọc xung quanh, bám vào để làm điểm tựa.
- Nắm vào cây phải giật giật thử xem có đủ khỏe, đủ cứng để tuột xuống không. Tránh trường hợp cây yếu, hoặc cây mục, bám vào 1 cái không kiểm tra là ngã lăn xuống vực ngay.
- Người đi trước và người đi sau phải đi so le nhau, không đi thẳng hàng. Tránh trường hợp người phía trên ngã, lăn, kéo đè vào người phía dưới. Hoặc làm rơi, lăn đá vào người phía dưới.
- Cách nhau tối thiểu 2m, phải rất cẩn thận vì người đi phía trước thường bám cây để tụt xuống, thả tay ra là cây bật lại, vụt vào người đi sau.
Hix, leo trèo, chui nhủi như lợn rừng. Những thân dây leo mọc như thế này, thực sự là quý giá khi tụt xuống vực, cứ thoải mái mà bám vào, dây chắc lắm, yên tâm đi


Finally, đây rồi, đây rồi. Các bác có nhìn thấy những mảng đen đen bám vào thân cây đại thụ kia không?

Cận cảnh hơn 1 chút này! Em dùng máy ảnh du lịch Nikon S6000, zoom hết cỡ để chụp. Bọn em đếm có tổng cộng 6 tổ ong, tổ bé nhất bằng cái nón, tổ to nhất có chiều dài hơn 1 sải tay người lớn.
Đừng vội mừng, vị trí đang đứng mới chỉ lưng chừng vực, còn 1 nửa quãng đường nữa mới đến được gốc cây. Đoạn này mới thực sự gian nan, gần như là vách thẳng đứng. Em chỉ chụp được vài tấm rồi bỏ máy ảnh vào túi, tập trung leo xuống đã.

Ơn trời, cuối cùng thì cũng đã đến nơi. Cây cổ thụ này Tiếng Thái gọi cây này là “Mạy Nguội”, thân gỗ lớn, rụng lá vào cuối năm, giờ chả có lá nào cả, đến tháng 6 bắt đầu mới nhú chồi! Bà con thường xẻ gỗ để làm ván! Đường kính gốc khoảng 3 người ôm, cao cỡ 60, 70m gì đó.

Đây, em leo lên phía triền núi bên kia để chụp cho rõ. nhìn trong ảnh thì bé thế thôi, nhưng thân cây cực kì lớn. Dần dần rồi em sẽ upload mấy tấm ảnh chi tiết để các bác dễ hình dung.

PHẦN 2: Xem tiếp tại đây: https://hoabanfood.com/san-mat-ong-rung-4-2013-p2.html
Bài viết độc quyền của HOA BAN FOOD, mọi trích dẫn yêu cầu ghi rõ nguồn tin từ hoabanfood.com
Tân – HOABANFOOD | Lai Châu – 4/2013| facebook.com/mobigraphy