SÂU CHÍT KHÔNG CHỈ DÀNH CHO QUÝ ÔNG
Sâu chít là một trong những “đặc sản” thiên nhiên của một số vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La. Người dân thu hoạch sâu chít vào tháng 11-12 hằng năm, thường là đem ngâm rượu uống. Công dụng điển hình của sâu chít được dân gian truyền miệng là “phục tráng sức khỏe”.
Sâu chít là một loại côn trùng sống trong thân cây chít. Theo kinh nghiệm, để biết cây có sâu, người thu hái sẽ lựa những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa. Đó chính là những cây đã bị ấu trùng ký sinh. Vào mùa thu hoạch, sâu chít được bán khá phổ biến tại chợ vùng cao. Những ngọn chít có chiều dài khoảng 35 – 40 cm được bó gọn ghẽ. Sâu được người bán hàng lấy ra bằng cách tách đôi ngọn chít. Những con sâu tươi rói có màu trắng sữa, căng mỏng được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy giữ cho sâu không bị biến chất.
Theo y học cổ truyền, sâu chít có vị cam, ôn, đại bổ phế, thận và mệnh môn, chữa được bệnh phế hư (ho và thổ huyết, suyễn); thận suy yếu, di tinh, hoạt tinh. Trong đề tài nghiên cứu về thành phần hóa học và ý nghĩa y học của sâu chít, nhóm các tác giả thuộc Viện Y học cổ truyền quân đội, Đại học Y Hà Nội cho biết: đông trùng hạ thảo (một loài sâu hiếm của Trung Quốc vốn được dùng cho những bài thuốc tăng cường sinh lực) có hàm lượng protein chiếm 25-32% trong cơ thể, trong đó có 6 acid amin, còn sâu chít cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần acid amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể. Các nhà khoa học nhận định: sâu chít rất giàu đạm, một lượng đạm cao cấp rất cần thiết cho cơ thể. Điều này lý giải tác dụng điều trị suy dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi sinh gây bệnh. Đặc biệt, ở sâu chít, hàm lượng acid béo không no đạt tới 58,37% – đây là thành phần tạo ra chất có hoạt tính sinh học cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được.
Một kết luận khá thú vị là, sâu chít có tác dụng gây độc tế bào ung thư người. Điều này nói lên rằng, có thể sử dụng sâu chít để bào chế thuốc chống u, điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, sâu này không có tác dụng điều trị như thuốc. Hiệu quả điều trị của nó có được là thông qua sự kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại vi sinh vật gây bệnh. Sâu chít cũng được khẳng định là không độc với cơ thể, do vậy có thể sử dụng làm thực phẩm và dược liệu.
Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, có thể sao khô, nấu cháo sâu chít. Với những đặc tính quý, nhưng sâu chít không phải là món tăng cường sinh lực chỉ dành cho cánh đàn ông. Với cách chế biến phù hợp, sâu chít còn giúp cải thiện da và sức khỏe phụ nữ, cho những người thể trạng yếu.
Liên Châu
http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/200526/114160.aspx