SÔNG ĐÀ & TÂY BẮC: THÁNG 11/2013 – CHƯƠNG I

ĐẦU NGUỒN SÔNG ĐÀ – THÁNG 11/2013

Chương I: CHÀO TÂY BẮC

Thưa các bác, em sinh ra & tuổi ấu thơ lớn lên ở 1 huyện nhỏ, và nghèo ở Lai Châu, cái nơi tận cùng của Tây Bắc này với em vô vàn kỉ niệm. Giờ em thường xuyên quay lại nơi này, phần đa là vì công việc mưu sinh, phần ít là vui chơi cho thỏa thích. Cách em đi, chơi có thể với nhiều bác là không hạp, vì em đi lọ mọ – vất vả – thậm chí là khổ sở! Chứ chả ung dung nhàn hạ đâu. Em đi, em nhìn sự việc dưới con mắt của 1 người con Tây Bắc, đơn giản & chân thành.

Những hình ảnh của em ghi lại, những câu chuyện em sắp kể với các bác, quanh quẩn cũng chỉ tập trung nhiều về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào nơi đây. Thêm những món ăn lạ của sông suối, của rừng & núi mà em được ăn, hoặc cùng làm. Để rồi giới thiệu đến các bác. Nào, ta bắt đầu.

Vừa rồi em vào thị trấn để dự đám cưới con gái chị họ em. Hơn 20 năm trước em cầm tay nó dạy tập đi, giờ nó lấy chồng, tất nhiên chú phải vào dự, chúc mừng hạnh phúc lứa đôi chứ. Đi thôi, em nhảy xe khách HN – Điện Biên chạy đêm, sáng hôm sau 6h đã có mặt ở Điện Biên! Tạt vào ăn sáng rồi 8h30 ra bến xe nhảy xe Điện Biên  vào luôn. Cánh lái xe mấy tuyến này em quen biết hết cả, cứ đủng đỉnh ra bến, lên xe và đi thôi. Ngồi xe liền tù tì 500km cả đêm, giờ còn 200km nữa mới vào đến nơi thật là oải quá. Cách thị trấn 30km còn tắc đường! Ở vùng núi bọn em thì “Tắc đường” nghĩa là tịt hẳn, bịt hẳn, không nhúc nhích, không đi được nữa cơ. Như này này

4h chiều mới vào đến thị trấn, ngồi xe 1 ngày, 1 đêm nhức hết cả người. Em ăn tối xong rồi đi ngủ. Sáng hôm sau thức dậy thì thấy anh em họ hàng nhà bác em đã từ mấy bản xa đã xe máy vượt 60km về huyện dự đám cưới rồi. Ôi chao là đông vui, mấy tháng rồi mới gặp nhau ) , các bác nếu theo dõi những chuyến đi trước của em chắc sẽ nhận ra vợ chồng Thêm & Chăn này. Những chuyến đi trước em chụp ảnh và hứa rửa ảnh để tặng mỗi người vài tấm, he he, hôm nay đầy ảnh. Xem đi, xem đi, đẹp không?

Thanh niên bản, nhưng về huyện là cũng phải ăn diện cho tươm tất chứ nhẻ. , ngoài cùng bên tay trái là ku Sanh, cháu gọi a Thêm bằng Cậu. Ngày mai em lên sẽ ở nhà ku này, đi chơi tẹt ga Sông suối, rừng với nó.

Sửa soạn áo & váy để đi dự đám cưới nào. Đây là bộ váy áo truyền thống của phụ nữ Thái Trắng, gọi là áo “CÓM”. Ngày xưa thì đây là trang phục chính của những người phụ nữ Thái, nhưng bây giờ, chỉ 1 phần nhỏ mặc hàng ngày, còn lại chỉ những ngày lễ trọng đại, bà con mới mặc. Cũng phải thôi, bây giờ quần áo đưa từ dưới xuôi lên nhiều, mẫu mã đẹp, rẻ, mà mặc lại tiện dụng hơn. Áo Cóm này mặc khi lao động nặng rất vất vả vì nó bó sát người, mà để làm, khâu 1 chiếc áo Cóm rất mất thời gian. Những chiếc Cúc áo hình con bướm trước kia rất đắt & hiếm, nhà giàu thì dùng bằng Bạc, nhà nghèo thì dùng bằng Nhôm. Nhưng bây giờ ra chợ mua, bán cả mớ, bằng nhôm tất.


Diện nào

Đây đây, Noọng của em đây, bên tay trái ấy nhá, mặc áo trắng ấy nhá. Đừng nhầm bên tay phải mặc áo hồng là chị Chăn thì chết em. He he, chào các bác đi nào, ngượng gì mà ngượng.

Đám cưới phố huyện cũng giống ở xuôi, vì chị gái em khoán hết cho 1 nhà hàng nó nấu nướng, tổ chức. Haizz…chán quá, em xuống chụp vài kiểu ảnh, ngồi uống rượu 1 lúc rồi biến về. Hix, đến trưa mọi người về hỏi “Chú Tưn không ở lại Xòe à???” hả??? xòe gì, thôi khổ, hóa ra là tiệc tàn thì anh em họ hàng toàn người Thái cả, tổ chức xòe luôn tại tiệc cưới. Em tiếc hùi hụi…xòe của bà con vui lắm các bác ạ. Nồng cháy & bốc lửa vì vui, vì lòng nhiệt thành của mỗi người tham gia. Chứ không phải kiểu thương mại dịch vụ, toàn gái Kinh đóng giả gái Thái thu tiền của khách du lịch ở các phố thị Du lịch đâu.
Đám cưới xong thì các anh em về bản luôn, em bảo mai em mới lên vì còn chuẩn bị đồ đạc. Bọn thằng Sanh, thằng Thiệu cứ ới ới bảo anh lên luôn đi, tối đi chơi sông Đà luôn. He he, từ từ, mai đã. Sáng mai lên sớm. Sáng hôm sau 7h em xuất phát từ thị trấn, từ đây đi lên Bản là 45km, đi tiếp thêm 15km nữa thì đến Bản 2! Sáng sớm sương mù dày đặc, em đeo kính cận nên cứ tí là phải lấy khăn giấy lau kính, mù quá, chả nhìn thấy gì. Dừng lại làm điếu thuốc cho ấm bụng, chụp quả ảnh rồi đi nào.

Em mượn xe của đứa cháu, rồi đưa 1 ông anh đi lên công trình làm đường ở tít biên giới. Đi Ma thêm khoảng 8km nữa. đường đi hơi khó, đợt vừa rồi các lãnh đạo OF nhà ta đi khảo sát XXX phải vượt qua những đoạn như này, đúng là vất vả thật.

9h30 thì lên đến Bản, vào nhà a Thêm thì 2 vợ chồng đang đi nương. Có mỗi bà bác ở nhà, sáng nay may mắn là có xe công trình của cậu bạn em nó chạy qua đây về huyện. Em còn 4 can Mật Ong Rừng để ở nhà a Thêm bấy lâu nay không chuyển về huyện được, phần vì đường quá xấu, 2 là anh em ở bản đang túi bụi lấy gỗ làm nhà tái định cư cho nên em không ép buộc anh em phải lai bằng xe máy về huyện. he he, hôm nay có xe Ben, tống lên xe luôn.

Có mỗi bà cụ thân sinh ra anh Thêm ở nhà. Hầu như bà không biết tiếng Kinh, he he, may mà em biết ít tiếng Thái nên nói chuyện vu vơ vẫn hiểu tốt. Bà cụ tốt tính lắm, lọ mọ đi nấu cơm cho thằng cháu ăn trưa, em ra vườn vặt ít rau về nấu cho xong bữa trưa đã. Ăn xong sớm để còn lên Bản 2 chơi.

Cơm nước xong bà cụ lấy Mắc Khén ra phơi, chỗ này mới bẻ, phải phơi khô dùng dần. Trong đời sống ẩm thực hàng ngày của bà con dân tộc Thái, cá là thức ăn chủ đạo, mà là cá sông/suối thì phải có Mắc Khén, không có Mắc Khén, e rằng mất đi nửa phần ngon rồi. Bà cụ lúi húi đi lấy bao, tống vào 1 mớ, dúi vào tay em bảo “CHO Ý, ẢI NỚ”, tiếng Thái nghĩa là “Cho Bố Mẹ nhé”, ý chừng bà bảo mang về cho bố mẹ dùng.  em cười thật tươi, và xin nhận ngay. Bà con nghèo vật chất, nhưng giàu tình cảm, quà biếu chỉ là những sản vật sẵn có của núi rừng mà thôi.

Cơm trưa xong thì em bảo bà cụ là “Lan Pay Bản 2 Nớ”, hị hị, tiếng Thái đấy, nghĩa là “Cháu đi lên Bản 2 đây”. Tiếp tục gần 20km thì đến Bản 2, em gọi cho bọn ku Sanh bảo chiều tối anh mới vào nhà, giờ đưa ông anh lên công trường ở gần ngã 3 Na La đã. A, có biển báo Khu vực biên giới đây rồi.


Núi non trùng trùng điệp điệp, đây là khu vực cao. Thật là đã mắt.

Đến lán công trình, anh em ku bạn em làm nhà thầu thi công đường ở đây, em ngồi chơi vài tiếng rồi quay về Bản 2 . Trên đường về, đến gần Bản 2 gặp 2 vợ chồng anh chàng người Hà Nhì này đang làm nhà, em ấn tượng quá, dừng lại chơi 1 lúc. Nhà làm bằng đá các bác ạ, đá vỉa. Trộn với đất đỏ để làm nhà, em choáng váng vì độ tỉ mẩn, cũng như tay nghề của 2 vợ chồng này. Những viên đá nhìn chả ra hình thù gì mà được xếp thẳng tăm tắp.

Khu vực này nằm bên sườn núi, 1 bên là núi cao, 1 bên là Sông Đà. Gió thổi cực mạnh mà lại hay có lốc, nên hầu hết bà con làm nhà gỗ hoặc đất/đá, người Thái ở đây cũng ít nhà dám làm nhà sàn.

Đá xếp rồi trít đất đỏ trộn vào các khe hở, đảm bảo kín mít. Mùa đông thì ấm, mùa hè thì lạnh. Tường dày khoảng 25cm, cực phẳng các bác ạ.

Thôi, tạm biệt. Em vào nhà ku Sanh, nó gọi ý ới nãy giờ là anh sắp đến chưa. He he, vào ngay, vào ngay. Vừa vào đến nhà, ngồi uống nước nó đã rút cái này ra khoe, bảo tối nay anh em mình có món ngon rồi. Hóa ra chiều hôm qua, đi đám cưới ở huyện về, ku Sanh cùng 2 đứa nữa đi đặt bẫy, kiếm được con Hoẵng hơn chục kg, chia nhau mỗi người 1 ít. Đây là đuôi Hoẵng, ở đây mọi người hay phơi khô làm móc đeo chìa khóa. Hix, sợ bỏ xừ.

Thôi, kệ cho vợ chồng nó nấu cơm. Em đi tắm phát đã, mò ra khe suối cạnh nhà. Nước trong veo, và lạnh kinh hoàng.

He he, nhưng ai dại gì tắm nước lạnh. Bí mật nằm ở đây, tại bản Pắc Ma này, có 1 mạch nước khoáng nóng. Nước rất ấm, ra đây cứ cầm gáo ra mà múc, tắm ì oạp đã đời. Có bác nào đi lên đây chơi vào mùa đông, nhớ hỏi bà con mạch nước này mà tắm nhé.

Xong rồi, tắm nước khoáng nóng khỏe hẳn ra. Về xem tụi nó cơm nước thế nào xem nào. Đây, thịt Hoẵng non được buộc chặt lại, cho lên gác bếp từ sáng, giờ đã hơi se se khô phần ngoài. Nhưng bên trong vẫn mềm lắm.

Gác lên bếp như thế này, thịt vừa mềm bên trong, hơi dai bên ngoài. Nào, đầu tiên phải thả vào nước, rửa sạch mùi mồ hóng đi đã.

Cắt đôi ra nhé, thịt bên trong vẫn tươi, mềm. Chẹp chẹp

Ôi giồi ôi, năm hết Tết đến, lại đúng mùa Sâu Chít tươi, em suốt ngày sâu sâu – bướm bướm mệt phờ người . Giờ mới rảnh được chút thời gian, em ngồi biên tiếp nhé. Hôm trước đang thịt Hoẵng ngon thì tạm ngừng, hôm nay em lại tiếp tục, he he, vẫn ăn uống là chính, chơi bời là phụ thôi các bác nhỉ.

Thịt Hoẵng non sấy qua loa, thì chỉ có xào là tuyệt nhất. Gia vị thì chả cần cho gì đâu, tí muối, thêm mẩu gừng nhỏ đập dập cho vào cho thơm là ngon lắm rồi. Vợ cậu Sanh nấu nướng cũng ngon ra trò, nào, mời các bác món Thịt Hoẵng non xào tái.

 

Ấy, cái bữa tối nay, em là khách phương xa, mà lại coi như người nhà, anh em thân thiết nên gia đình ku Sanh chuẩn bị đồ ăn thức uống thịnh soạn lắm. Trong thời gian vừa nãy em đi tắm, Sanh & 1 anh bạn nữa đã mò ra sông Đà túm được mớ cá ngon nữa rồi, sướng thế đấy, nhà cách bờ Sông có 1 quãng ngắn, lưới chài thì đầy nhà rồi, ra là có cá ăn ngay.

Mớ cá sông tươi roi rói, con cá Măng này thì nữa nấu với Mẻ, thơm ngon lắm các cụ ạ.


Còn mấy con Pa Khính này, nướng ăn là nhất, vì muộn rồi nên cũng chả làm cẩn thận đầy đủ gia vị được, xát tí muối, thêm chút Mắc Khén vào rồi nướng thôi. Ấy thế mà thơm lừng.

 

Chắc có bác sẽ bảo, ôi dào, toàn cá là cá, ở đồng bằng cũng đầy cá. Thôi em không nói chuyện cá nữa, tối nay có 1 món đặc biệt, mà lâu lắm rồi em mới được chén, cũng phải mười mấy năm rồi đấy. Mẹ ku Sanh chạy ra ruộng cạnh nhà, túm bừa được 1 nắm rau Má về ăn sống, ôi dào, Rau Má thì ở đâu chả có, các bác phỏng? Nhưng ở đây, bà con có cách ăn kèm với thứ nước chấm tuyệt vời, cứ từ từ rồi em tả món này cho các bác.


Đây, thứ quả này làm nước chấm Rau Má thì em xin thề với các bác, ôi chao nó hợp ghê gớm. Em không biết tiếng Kinh gọi là gì, nhưng tiếng Thái gọi là “MẮC CÓ”, quả còn nhỏ thì giống hệt quả Dâu Da Xoan, to thì giống quả Cóc trong miền Nam. Mắc Có vị chua/chát, thanh thanh rất đặc biệt, mấy quả này chín rồi thì làm nước chấm, hoặc nấu canh cá, chứ nếu còn xanh, chấm muối, ăn xong chiêu 1 ngụm nước (nhất là nước Lã ấy), ngọt giọng lắm.

 

Vậy, làm thứ nước chấm đặc biệt này, ta cần:

– Vài ba quả Mắc Có
– 1 nắm rau Mùi
– Và quan trọng không kém, phải có cá suối nhỏ, nướng giòn rồi băm nát.
– Thêm tí muối, mì chính (đừng cho nước mắm, mất mùi ngay)


Đấy, vậy là xong! Cá nướng băm nhỏ, rau mùi thái nhỏ, Mắc Có thì cho nguyên cả hạt vào, còn phần thịt & Vỏ Mắc Có thì băm nhỏ, rồi cũng ném tuốt vào. Xong xuôi rồi chế thêm tí nước sôi, đừng cho nhiều, chỉ cần sền sệt thôi. Chấm mới ngon

 

Nào, mời các bác, tối nay có vẻ thịnh soạn, toàn cây nhà lá vườn hoặc lấy từ thiên nhiên. Chả mất xu nào đi mua cả. Các bác nhìn mâm có đoán ra từng món không? Để em kể tên nhé, chèm chẹp, gõ bàn phím đến đây mà em lại thèm quá.

– Thịt Hoẵng non xào tái
– Cá Pa Khính nướng
– Cá Măng nấu với Mẻ
– Rau Má chấm “nước sốt” Mắc Có.
– Và 1 món đặc biệt nữa, Canh Măng, đúng tiếng Thái thì gọi là Ma Pửng, tức là Măng tươi của cây Giang, lấy về, chẻ ra rồi ngâm vào nước vo gạo, để vài ngày rồi mang ra nấu canh. Ngon lắm.


Thôi, vào mâm. Người lớn 1 mâm, trẻ nhỏ 1 mâm. Mời các bác, KIN LẢU (tiếng Thái, nghĩa là Uống Rượu)


Cơm nước xong thì đến tiết mục quan trọng nhất , ngồi uống nước và bàn chuyện ngày mai đi chơi đầu nguồn sông Đà. Sau khi thống nhất phương án & thời gian đi thì ngồi tán phét, ôi, đủ thứ chuyện, nhưng quanh đi quẩn lại toàn chuyện rừng, chuyện núi, chuyện sông suối cá mú. Bố của ku Sanh cầm lưỡi câu tự chế ra khoe, he he, món này chuyên trị cá to ở sông Đà đây. Mai cầm đi luôn

 

Chương II: ĐẦU NGUỒN SÔNG ĐÀ: 2 NGÀY – 1 ĐÊM VI VU (…………………Còn tiếp…………………)