SÔNG ĐÀ DISCOVERY
– PHẦN 3: NHỮNG KẺ LIỀU MẠNG –
Đầu tiên, mời các anh chị xem video clip ngắn của tôi ghi lại hành trình kế tiếp. Và vui lòng mở loa nghe âm thanh để có trải nghiệm thú vị nhất.
Sáng hôm sau thức dậy, nhìn quanh chả thấy anh em nào. Thằng ku Hừ nó đã đi săn từ sớm tinh mơ, còn ku Sanh & a Mươn cũng đi thả lưới, thả câu bắt cá từ đêm hôm qua chưa về! Buổi sáng trên đầu nguồn sông Đà đẹp không phím nào tả xiết, mây mù vờn quanh các đỉnh núi, tiếng chim hót văng vẳng trong rừng già, ôi lũ chim rừng tự do, tiếng hót của chúng cũng khác với đồng loại của chúng ở thành thị, được nuôi và nhốt trong những chiếc lồng bé xíu. Ngồi ngắm mây ngắm nước, ngắm rừng như thế này, tôi thấy mình thật may mắn, được đi, thân thiết các anh em đồng bào dân tộc nơi đây để được có những trải nghiệm thú vị như thế này.
Đây, mấy con cá sông đêm qua tôi sấy, sáng nay đã khô, đượm mùi thơm của khói. Anh em dân bản trong mỗi chuyến đi bắt cá dài ngày, thường làm cá khô như thế này để mang về. Cá khô tất nhiên ăn không thể ngon bằng cá tươi được, nhưng nếu biết cách chế biến, ăn đúng kiểu cũng thú vị lắm. Ở đây bà con thường mang về, để lên gác bếp, thi thoảng cần thì lấy vài con ra, dúi vào tro bếp cho mềm rồi mang ra ăn. Hoặc có thể ngâm qua với nước cho mềm, rồi cho vào nồi, bỏ vài quả cả chua thóc đun lên, ăn cũng ngon lắm. Anh chị nào thích tìm hiểu về món này, xin vui lòng đọc thêm tại đây, tôi đã viết rất chi tiết.
Lát sau thì ku Sanh lao thuyền về, từ xa đã nghe tiếng nó hét trong phấn khích “Cá to lắm anh Tân ơi!!!”, đâu, đâu?? Tôi cũng hào hứng chả kém, chạy ngay ra đón 2 anh em. Ôi trời ơi…..
To, đẹp tuyệt vời, đây là con cá Bỗng, 1 loại cá có giá trị kinh tế khá cao. Và khá giống với cá thần ở Thanh Hóa. Để tôi bê lên chụp ảnh lưu niệm chút nào, nặng quá! Tôi gồng 2 tay mà chỉ bê được 1 lát đã mỏi rồi. Ước tính nặng 17, 18kg gì đó.
Ối giồi ôi, còn đây nữa, 2 con cá Măng to tướng. Cá Măng ở sông Đà nhiều lắm, chúng tôi đi vẫn gặp những con cá Măng quẫy, lao vọt lên mặt nước săn mồi, ầm ầm ầm ầm….! Vậy là khoản thực phẩm không phải lo gì nữa rồi, quá yên tâm, chỉ sợ không đủ sức đi tiếp mà thôi.
Ku Hừ lúc này cũng vừa chui từ trong rừng ra, cậu ta hậm hực bảo “chả thấy con nào”, ôi dào, tôi bảo: “chả cần nữa đâu, cá đây rồi, vừa ăn vừa ném nhau, cũng chưa hết”. Nhưng ku Hừ bảo “nhưng lợn rừng mà nướng ăn giữa rừng thì ngon lắm”, ừ nhỉ, đúng thật. Còn gì tuyệt vời hơn ngồi giữa rừng già, nướng thịt, oánh chén no nê, thậm chí quên cả sự đời.
Chúng tôi thu dọn xong nồi, đồ đạc, chất hết lên thuyền. Chúng tôi sẽ đi tiếp, Sanh bảo từ đây lên đến thượng nguồn, tức là nơi những dòng nước đầu tiên của Sông Đà thuộc về đất Việt còn khoảng 15km nữa, nhưng có vài thác rất lớn, không biết có vượt qua được không. Chúng tôi kiểm tra lượng xăng còn lại! Ít quá, tại hôm qua đã cho bớt đi 1 ít, rồi lúc bình xăng bị rơi ra, cũng đánh mất 1 lượng kha khá. Sanh bảo nếu đi đến nơi mà hết xăng, lúc về phải chèo tay! Tôi cũng hơi hãi, nghĩ tới mấy thác nước đã vượt qua ngày hôm qua, nếu chèo tay thì thực sự rất sợ. Nhưng không sao, lên đường thôi……! Chỉ đi vài trăm mét, quả thực là những ghềnh thác lớn liên tục xuất hiện, hết lôi rồi lại kéo, cả đoàn mệt phờ.
Gặp những thác lớn, chảy xiết! Tôi chỉ ngồi giữa, bám chặt tay vào mạn thuyền, nhưng vẫn cố lôi máy ảnh ra chụp, mặc kệ cho thằng Sanh gào lên “Bám chặt vào đi anh ơi”! Kinh nghiệm khi vượt những thác như này là 1 người đứng mũi thuyền dùng tay chèo, chống thêm lực để thuyền vượt thác, và phải men sát bờ sông. Người ngồi trong thuyền nếu không phải tham gia vào việc gì, thì hãy ngồi im, và tuyệt đối bám thật chặt, rất nhiều trường hợp khi đang vượt thác, thuyền lao vào đá, nếu không bám chặt là người bắn ra khỏi thuyền ngay.
Vượt qua bao ghềnh thác, mấy anh em còn phải cởi hết áo ngoài ra, gồng mình trong dòng nước để đẩy thuyền vượt thác. Trời tháng 11 lạnh lắm, ở đây, giữa bốn bề là rừng, là sông nước mênh mông! Gió thổi ù ù, tôi dù mặc 2 áo vẫn cảm thấy lạnh! Thế mà mấy anh em cởi trần, mắt liên tục quan sát dòng nước để tránh đá, tránh những dòng xoáy. Nếu không cẩn thận, bỏ mạng thì tôi không dám nhắc đến, nhưng tất cả thuyền bè, máy xuống và hành lý sẽ chỉm nghỉm trong dòng nước hung dữ của Đà Giang.
15km đường sông, mà lại đi ngược dòng. Chiếc thuyền độc mộc được gắn động cơ tự chế, đâu có 3 mã lực, nhẫn nại và ì ạch leo lên từng thác nước. Chúng tôi đi cũng khá lâu, tốn khá nhiều thời gian cho việc kéo, đẩy thuyền vượt thác. Quãng 11h trưa thì chúng tôi gặp 1 ghềnh thác cực kì đáng sợ, phía dưới là vực nước sâu thẳm, những vòng xoáy to bằng cả cái mẹt cuồn cuộn quanh thuyền. Tôi sợ nhất những khu vực như này, bởi nếu chẳng may trượt chân ngã xuống nước, thì ngay lập tức những vòng xoáy kia sẽ nhấn chìm cơ thể xuống tận đáy sông. Anh em dân bản ở đây bơi lội giỏi hơn rái cá, có kinh nghiệm nếu bị xoáy lôi xuống, thì phải lặn 1 hơi thật dài thoát qua xoáy nước ấy. Nhưng tôi, dù bơi lội suối Tây Bắc thành thạo từ thủa bé cũng không thể đủ sức làm việc đấy.
Độ sâu của những vực nước như thế này phải hơn cả chục mét. Ku Sanh nó nhảy lên mũi thuyền, cầm sào chống liên tiếp vào vách đá để đẩy thuyền ra, nếu không cẩn thận, thuyền dính vào vách đá, chắc chắn sẽ bị lật ngay.
Và ngay sau vực nước này, là 1 con thác cực kì lớn và xiết. Đây chính là thác Kẻng Mỏ, thác mà ai đã từng có dịp lên đến đây đều lắc đầu lè lưỡi bởi sự hiểm trở của nó. Chúng tôi cho thuyền đỗ vào sát vách, lên quan sát kĩ thác, nhưng quả thực không thể vượt qua nổi. Dù là hò nhau đẩy! Từ đây lên đến biên giới Việt – Trung, cột mốc số 17/1 còn khoảng 6km nữa! Biết làm thế nào? Tôi khá buồn vì đã lên đến đây rồi mà không thể vượt qua nổi thác này, mấy anh em động viên bảo “thôi anh để dịp tới, đi đường bộ, xin giấy thông hành sang hẳn bên kia biên giới, sẽ gặp nguồn nước đầu tiên của Sông Đà”. Thôi cũng đành vậy thôi chứ giờ mà cố, sẽ rất mạo hiểm cho cả đoàn.
Chụp với nhau 1 tấm làm kỉ niệm ở nơi này. Rồi chúng tôi sẽ xuôi dòng về bản. Tôi nhẩm tính, đến quãng tháng 3 năm sau, khi vào mùa khai thác mật ong rừng, tôi chắc chắn là lên đây. Lúc ấy tôi sẽ bảo thằng ku Thiệu (là 1 trong những thợ khai thác mật rừng giỏi nhất) sắp xếp thời gian đưa tôi sang bên kia biên giới, tôi nhất định phải khám phá, được chạm tay vào dòng nước đầu tiên của Sông Đà chảy vào đất Việt.
Mấy anh em lại xuôi dòng trở về, bỏ lại khát khao chưa thực hiện được của tôi. Ấy nhưng khát khao gì thì cũng phải…ăn đã. Từ sáng đến giờ chúng tôi đã có hạt cơm nào vào bụng đâu. Trên đường về, chúng tôi dừng lại nấu ăn trưa, lúc này cũng quãng 2h chiều rồi. Cá thì sẵn ở trong thuyền, chọn ra 1 con cá Măng to nhất, chúng tôi nấu canh với quả rừng. Quả này hay lắm, tên gọi là QUẢ SỔ, thường mọc ở các khe suối, hoặc bờ sông. Vị chua đặc trưng, nấu canh cá suối thì….nhất quả đất.
Đây, tôi có dành riêng 1 bài viết nói về thứ quả nà nấu canh cá suối. Mời các anh chị:
hoabanfood.com/ca-suoi-tay-bac-nau-voi-qua-so
Đến 5h chiều thì chúng tôi về đến bản. Việc đầu tiên của tôi là lấy điện thoại ra kiểm tra, ôi trời ơi, mấy chục cuộc gọi nhỡ, cả của khách hàng, bạn bè. Nhưng trong số đó có đến 17 cuộc gọi nhỡ của vợ tôi, mấy ngày đi sông suối, sóng điện thoại không có. Chả có cách gì liên lạc được với tôi, vợ tôi lo lắm, tôi vội bốc máy gọi về nhà báo tình hình! Ở nhà lo cuống cuồng, thôi không sao, bình an vô sự về đến bản là ổn rồi.
Bữa tối nay chúng tôi liên hoan, lại toàn cá là cá. Thằng Sanh nó lấy phần giữa con cá Bỗng kia, cái phần ngon & nhiều thịt nhất ấy, bắt vợ nó sấy khô cho tôi mang về nhà. Nó bảo “anh phải cầm về làm quà cho 2 bác, chị và các cháu ở nhà”. Nó biết bố mẹ tôi, bởi hồi nó còn bé tẹo, cũng đã nhiều lần về huyện, vào nhà tôi chơi rồi. Cám ơn, cám ơn, tất nhiên là tôi xin ngay, quà rừng, quà núi, quà của những người anh em miền ngược! Mọi người trong gia đình tôi hẳn sẽ vui lắm khi nhận được quà này. Và tôi lại tự nhủ thầm, mình chọn con đường kinh doanh đặc sản Tây Bắc đầy nhọc nhằn này, dù có khó khăn, nhưng chưa bao giờ hối tiếc. Tôi sẽ đi, sẽ gắn bó, sẽ làm kinh tế cho chính bản thân tôi, và bà con nơi này bằng những sản vật do chính bà con khai thác, còn tôi, tôi chỉ là người kết nối các sản vật đó tới mọi miền tổ quốc, mà thôi.
Còn tiếp………………………….
Bài viết độc quyền của HOA BAN, mọi trích dẫn yêu cầu ghi rõ nguồn tin từ hoabanfood.com
Tân – HOABANFOOD | Lai Châu – 11/2013 | facebook.com/mobigraphy