HOA BAN – HOA CỦA RỪNG TÂY BẮC

HOA BAN – HOA CỦA RỪNG TÂY BẮC

Chào các anh chị, tôi mới đi rừng về, 1 chuyến đi vui và nhiều kỉ niệm. Và quan trọng hơn cả, dù đi từ tháng 3, nhưng năm nay Nhuận, tôi may mắn được ngắm Hoa Ban nở trắng rừng Tây Bắc! Loài hoa được coi là biểu tượng của rừng núi Tây Bắc, và cũng được tôi lựa chọn để đặt tên cho nhãn hiệu HOA BAN FOOD™  của chúng tôi. Hoa Ban thì nhiều người biết, nhưng tôi vẫn cứ viết bài này, bổ xung thêm nhiều thông tin cần thiết hơn để giúp các chị tìm hiểu, ngắm nhìn và gìn giữ những cánh rừng Hoa Ban ngày càng ít.

1. HOA BAN LÀ HOA GÌ?

Cây Ban, thực tế theo tên khoa học thì nó có tên chả mĩ miều gì cho lắm: “Cây Móng Bò”, đơn giản thôi, vì lá của chúng có hình dáng tương tự như móng bò vậy. Phân bổ rất rộng, có nguồn gốc ở miền đông nam châu Á, từ miền nam Trung Quốc kéo dài về phía tây tới Ấn Độ!

Riêng ở Việt Nam, trước kia cây Ban (HOA BAN) chỉ phân bổ ở các tỉnh miền núi Tây Bắc (Lai Châu – Điện Biên – Sơn La…), chả thế mà HOA BAN được coi là hoa của núi rừng Tây Bắc! Nhưng đến bây giờ, đô thị phát triển, Cây Ban được mang về phố trồng khá nhiều thông qua các công ty quản lý cây xanh đô thị. Cây thân gỗ, dễ trồng, chả thế mà đến bây giờ, ngay giữa đường phố thủ đô Hà Nội, cho đến TP Đà Lạt đẹp tươi đều có Cây Ban (HOA BAN) cả.

2. Ở ĐÂU CÓ HOA BAN?

TÂY BẮC: Vâng, đầu tiên nói đến HOA BAN, là nghĩ ngay tới Tây Bắc, nhưng không phải chỗ nào, rừng nào của Tây Bắc cũng có. Cây Ban có sức sống mạnh, chịu hạn tốt, nên hầu hết chúng phân bố ở các cánh rừng quang, ít cây cổ thụ. Còn những cánh rừng già nguyên sinh & ẩm ướt, hầu như không có cây Ban.

  • Dọc đường Quốc Lộ 6: Cây Ban (Hoa Ban) mọc khá nhiều dọc đường quốc lộ 6, đoạn kéo dài từ Mộc Châu – Sơn La lên đến Điện Biên.

  • Điện Biên: Nhắc đến Hoa Ban, phải nói đến Điện Biên, Cây Ban phân bổ khá rộng! Huyện Mường Ẳng, Huyện Điện Biên, Huyện Điện Biên Đông, huyện Tủa Chùa, và đơn giản, ngay tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, 2 bên đường trồng rất nhiều cây Ban. Nếu ở TP Điện Biên, các anh chị có thể ngắm Hoa Ban dọc theo con đường chính của TP, đường Võ Nguyên Giáp, hoặc trong khu vực đồi A1 lịch sử cũng có khá nhiều.
  • Lai Châu, trước kia, khi chưa tách tỉnh Lai Châu (cũ) ra làm 2 tỉnh Điện Biên & Lai Châu như bây giờ thì chắc chắn HOA BAN phải thuộc về Lai Châu. Nhưng đến bây giờ, theo quy hoạch địa lý thì Lai Châu có rất ít Hoa Ban rừng, đặc biệt càng kéo dài lên hướng Tây Bắc, không có HOA BAN. Hiện giờ tại trung tâm TP Lai Châu đã trồng khá nhiều cây Ban dọc 2 bên đường.
  • Hà Nội: Cây Ban rừng được mang về HN trồng, các anh chị có thể lên đường Bắc Sơn ngắm HOA BAN TRẮNG, ra hành lang SVĐ Mỹ Đình ngắm Hoa Ban Tím, và rất nhiều các con đường trong các khu đô thị mới bây giờ trồng khá nhiều Ban Tím.
  • Đà Lạt: Hoa Ban được mang vào TP Đà Lạt trồng, đến thời gian vừa rồi đã trưởng thành và ra hoa tương đối. Theo thông tin của báo Vietnamnet thì ở Đà Lạt, Ban trắng được trồng nhiều dọc đường Trần Hưng Đạo và Hoàng Văn Thụ (TP. Đà Lạt)

3. CÓ MẤY LOẠI HOA BAN?

2 loại: BAN TÍM & BAN TRẮNG. Chúng có hình dáng cây, lá & nụ rất giống nhau. Nhưng Hoa có màu sắc & kích thước khác nhau, cũng như thời gian nở & ra hoa khác nhau. Ở Rừng núi Tây Bắc, chủ yếu là Hoa Ban Trắng mọc nhiều.

4. HOA BAN ĐANG DẦN BIẾN MẤT KHỎI RỪNG NÚI TÂY BẮC.

Sự thật rất buồn là như vậy, càng ngày, càng ít nhìn thấy từng rừng Ban trắng phủ kín các rừng núi Tây Bắc, bạn bè tôi nhiều người than thở “trước kia đi chơi, tháng 4 là thấy Ban Trắng nở rợp trời, bây giờ đi, tìm mãi mới thấy vài cây già khẳng khiu!”.

Nguyên nhân thì nhiều, nào là đốt rừng làm nương rẫy, nhưng thực tế theo tôi, chính vì Cây Ban (Bao gồm cả Hoa, Nụ, và ngọn lá non) được dùng làm thực phẩm, thậm chí còn trở thành đặc sản đã dần dần giết chết những cánh rừng Ban. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc trước kia, thường lấy Hoa, Ngọn lá non của Hoa Ban để làm thực phẩm, ví như món canh Hoa Ban, canh ngọn Hoa Ban, Xôi Hoa Ban….nhưng đấy là sử dụng nội bộ trong gia đình, bản làng, bà con chỉ lấy đủ dùng, chứ có ai đem bán. Nhưng đến bây giờ, bẻ hết, mang ra chợ bán là có tí tiền lẻ rồi. Khi ra hoa thì bẻ cả hoa, cả nụ, đến khi ra ít chồi non thì cũng vặt nốt thì còn cây Ban làm sao mà sống, phát triển cây con được nữa.

Hoa, Nụ HOA BAN được bẻ, bầy bán rất nhiều ở chợ vùng cao.

Để bảo tồn, phát triển Cây Ban, loại cây được coi là biểu tượng của Tây Bắc này, chính quyền nhiều địa phương đã trồng, nhân giống Cây Ban làm cây bóng mát 2 bên đường, thậm chí tôi đã rất vui mừng khi thấy những cây Ban đang trưởng thành mọc xanh tốt 2 bên đường Quốc Lộ 6, đoạn từ thị trấn Mường Ẳng về tới TP Điện Biên Phủ, đây chẳng phải là điều tuyệt vời lắm sao. Chỉ vài năm nữa thôi, những cây Ban đủ tuổi, cho đủ bóng mát, và hoa trắng & tím bừng sáng cả núi rừng Tây Bắc.

5. HOA BAN RỪNG TÂY BẮC.

Nói gì thì nói, riêng Hoa Ban, được ngắm giữa trùng trùng điệp điệp núi rừng Tây Bắc, ấy mới đẹp tuyệt vời. Tôi vừa đi 1 chuyến xa về, đi việc khác thôi, nhưng dọc đường đi gặp những cây Ban nở hoa trắng muốt trên các đỉnh núi Tây Bắc, không thể không dừng lại, ngắm nghía, hít hà, và chụp lại vài tấm ảnh hầu các anh chị. Nào, xin mời…

Mùa Hoa Ban Trắng thông thường bắt đầu từ tháng 4 Dương Lịch, nở cho đến hết tháng 5. Nhưng nhiều nơi, tầm giữa tháng 3 là ta đã gặp Hoa Ban nở rồi, Hoa Ban rụng hết lá vào thời gian này, chỉ có nụ xanh & Hoa trắng muốt. Những cây nào còn giữ được lá, thường là cây non, chưa ra hoa nhiều.

Những cành Ban khẳng khiu, chi chít nụ như này, chỉ vài tuần nữa thôi là khoe sắc, nở hoa đẹp mĩ mãn.

Ngắm Hoa Ban về đêm nào, đấy, các anh chị nhìn thấy chưa, đây là HOA BAN TRẮNG, nhưng thực tế, chúng có màu trắng pha tím nhạt, và đặt biệt, có duy nhất 1 cánh hoa có màu tím đậm.

Tân – HOABANFOOD | Điện Biên – 3/2015

Bài viết độc quyền của HOA BAN FOOD, mọi trích dẫn yêu cầu ghi rõ nguồn tin từ hoabanfood.com

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.