HƯỚNG DẪN CÁCH XỬ LÝ MẬT ONG BỊ ĐÓNG ĐƯỜNG (KẾT TINH)
Mật Ong bị đóng đường là chuyện quá bình thường, ở Việt Nam, chỉ có 4 loại mật sau theo tôi biết là rất khó bị đóng đường, còn lại tất cả những loại mật ong mà gọi là nguyên chất, hay tôi gọi đơn giản là mật ong thô, vắt ra khỏi tổ như thế nào, y xì như thế đều bị kết tinh, đóng đường.
+ Một số loại mật ong (bao gồm cả mật nuôi & mật rừng) rất khó bị Kết tinh, đóng đường, bao gồm:
- Mật Ong Hoa Nhãn
- Mật Ong Hoa Cà Phê
- Mật Ong Rừng cuối mùa (màu đen sậm, đặc)
- Mật Ong đã được xử lý hóa học. (tin tôi đi, tôi có thừa kĩ thuật & dụng cụ để hô biến tất cả những loại mật tôi qua tay tôi không bao giờ bị kết tinh, chỉ với 1 chất phụ gia dùng trong nấu ăn hàng ngày thôi, cho vào mật ong, đảm bảo để mãi không bao giờ bị kết tinh. Bí quyết này tôi tuyệt đối giữ kín, không tiết lộ cho bất cứ 1 ai, và tôi cũng không bao giờ thực hiện với các sản phẩm của tôi. Và cũng mong các anh chị đọc được dòng này, vui lòng không gọi điện cho tôi để hỏi)
Tôi luôn dặn dò khách hàng khi mua mật ong của tôi là tuyệt đối không được bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh. Nhiệt độ trong ngăn mát của tủ lạnh rất lý tưởng để mật ong kết tinh, đóng đường. Và kể cả để ở môi trường bên ngoài, qua 1 mùa Đông lạnh của miền Bắc, đa phần các loại mật ong (ngoại trừ 4 loại mật tôi vừa nêu ở trên). Đối với các khách hàng ở miền Trung và Miền Nam thì ít gặp trường hợp mật ong bị kết tinh hơn, bởi thời tiết miền Trung/Nam hầu như nóng quanh năm. Mà nhiệt độ để mật ong bắt đầu kết tinh phải dưới 20 độ C.
Đây, mật ong của anh chị bị kết tinh dạng như nào? Hạt to, hạt nhỏ, kết tinh dưới hay trên. Hay phủ kín hết chai. Đừng vội lo.
Hay bị kết tinh hạt to tướng như thế này?
Thôi nào, bỏ qua mấy chuyện đó đi, vấn đề bây giờ là mật ong bị kết tinh. Làm thế nào để lấy ra sử dụng bình thường đây, người Việt mình có thói quen đựng mật ong trong chai miệng nhỏ, thế mới khổ chứ. Làm sao mà cho thìa vào xúc ra được. Đơn giản, để tôi chỉ cách chuẩn nhất để làm chảy mật ong bị đóng đường nhé.
+ CÓ NÊN LÀM TAN CHẢY MẬT BỊ ĐÓNG ĐƯỜNG KHÔNG?
– KHÔNG NÊN: Nếu mật ong bị đóng đường mà được đựng trong bình/hũ rộng miệng, các anh chị dùng thìa để xúc ra sử dụng, pha nước ấm để uống, hoặc cho vào các món ăn tùy thích. Như vậy sẽ giữ được chất lượng mật tốt nhất, y như khi ban đầu ở dạng lỏng.
– NÊN: Nếu đựng ở chai/lọ miệng nhỏ, bắt buộc phải rã đông mật để lấy mật ra. Hoặc cần sử dụng mật ở dạng lỏng cho 1 số trường hợp như ngâm hoa quả, làm mỹ phẩm….thì bắt buộc phải rã đông mật ra thành dạng lỏng rồi. Thật buồn cười khi mà đắp mặt nạ mật ong bằng thứ…đường cứng như đá, lổn nhổn trên mặt. Các anh chị nhỉ? 🙂
+ CHUẨN BỊ
- Vài phích, hoặc vài ấm nước nóng. Chú ý chỉ cần từ 60 đến 90 độ C là được. Nhiệt độ lý tưởng nhất theo tôi là quãng 70 độ C.
- 1 chiếc chậu nhỏ
- Mật Ong đã bị đóng đường: Nếu anh chị đựng trong chai thủy tinh thì không sao, nhưng nếu là chai nhựa thì chú ý phải cắt bỏ miệng chai nhựa, đổ mật ong đã bị kết tinh ra 1 hũ rộng miệng, hoặc 1 bát to trước khi làm nhé.
+ CÁCH LÀM TAN MẬT ONG BỊ ĐÓNG ĐƯỜNG
- Nếu Mật bị kết tinh dưới đáy chai: Các anh chị hãy cho chai mật ong đã bị đóng đường (kết tinh) ấy vào trong chậu, đổ nước ngập phần mật bị kết tinh.
- Nếu Mật bị kết tinh ở giữa, ở miệng, hoặc toàn bộ chai: Đặt chai mật nằm ngang trong chậu, chú ý vặn chặt nắp. Đổ nước ngập chai. Thi thoảng xoay đều cho hơi nóng lan tỏa đều trong chai mật.
Chi tiết hướng dẫn cách làm tan chảy, xử lý mật ong bị kết tinh, đóng đường. Các anh chị xem video của tôi dưới đây.
+ CHÚ Ý
- Sau khi nước trong chậu đã nguội mà chưa tan phần đóng đường, ta đổ nước nguội đi, thay nước nóng mới vào.
- Sau mỗi lần thay nước, chú ý lau khô phần nắp chai. Mở nắp ra để không khí bên trong thoát bớt, rồi mới vặn chặt vào ngâm tiếp. Vì mật ong khi gặp nhiệt độ cao, mật sủi bọt, nở, tạo khí khá nhiều.
- Tuyệt đối không đun, không sử dụng lò vi sóng, không phơi mật bị kết tinh dưới ánh nắng mặt trời.
+ CÁCH BẢO QUẢN MẬT ONG SAU KHI ĐÃ XỬ LÝ, LÀM TAN CHẢY ĐÓNG ĐƯỜNG
– Tốt nhất, sau khi mật đã bị đóng đường và được làm tan chảy ra thể lỏng ban đầu, các anh chị nên rót ra hũ thủy tình hoặc nhựa rộng miệng. Trong trường hợp sử dụng không kịp trước khi chúng kết tinh trở lại, ta dùng thìa/muỗng để xúc để sử dụng. Bí lắm thì hãy làm rã đông thêm 1 lần nữa, chứ mật ong mà ngâm đi ngâm lại nước nóng như thế, mật sẽ chuyển màu, biến chất, không còn giữ được nhiều dinh dưỡng nguyên bản nữa.