SÔNG ĐÀ DISCOVERY
– PHẦN 1: VƯỢT THÁC –
Sông Đà – Đà Giang. Hay còn gọi theo tiếng Thái ở mạn thượng nguồn là “Nậm Te”, tức suối ở xứ Tè! Nghe theo tiếng phổ thông thì có vẻ buồn cười, nhưng thực tế, đồng bào Thái gọi theo tên địa phương đầu tiên mà dòng sông Đà chảy vào đất Việt: tỉnh Lai Châu.
Tôi sinh ra và tuổi thơ thấm đẫm hơi thở của núi rừng, của sông suối Tây Bắc ở thị trấn cực Tây Bắc này. Rồi mai này, về thủ đô sinh sống, nhưng trong tâm trí & hoài niệm của tôi, những cánh rừng, những con suối, và cả những đồng bào dân tộc nơi đây được tôi coi là “Quê Hương” của mình! Đến bây giờ, công việc làm ăn tôi thường lui lại vùng thượng nguồn Sông Đà này! Được anh em dân bản dẫn đi chơi Sông Đà, bắt cá, nghịch ngợm đủ trò ở rừng, ở suối! Nhưng trong lòng vẫn khát khao được 1 lần đi tìm đầu nguồn, nơi những dòng nước đầu tiên của Sông Đà chảy vào Đại Việt. Mang chuyện này kể với các anh em dân bản, mọi người cười ầm và bảo “quá đơn giản, đi ngay thôi”.
Nói thì vậy, chứ đâu phải tôi đã sẵn sàng để đi ngay được, còn nhớ những ngày đầu tiên cách đây gần 3 năm, tôi đã xanh cả mặt, khi lần đầu tiên ngồi trên thuyền độc mộc trên dòng sông Đà! Dù lúc ấy là tháng 3, nước xanh trong, và dòng sông Đà hiền hòa hơn bao giờ hết. Nghĩ lại, thật xấu hổ & buồn cười, con người ta, chuyện gì lần đầu mà chẳng đầy bỡ ngỡ phải không các anh chị? (Nhất là tình đầu, ôi giồi ôi, bồi hồi khôn tả)! He he, ấy là cách đây 3 năm thôi, còn sau đó, tôi đi thường xuyên, vượt thác có, lao thuyền vào vực sâu có, nên giờ đi, chỉ thấy thích, chứ chả mấy khi sợ nữa.
Sắp xếp mãi, rồi đến tháng 11/2013, tôi đi dự đám cưới đứa cháu gái ở thị trấn. Cách đó 1 tháng, tôi đã gọi điện cho mấy cậu em ở bản, dặn rằng “anh sắp lên, mấy đứa sắp xếp vài ngày để đi sông Đà”, đáp giả đơn giản và chắc chắn “anh cứ lên đi”. Vậy là xong, tháng 11 đến rồi, tôi đi đây, tôi đi cho thỏa nỗi nhớ Tây Bắc dấu yêu đây.
Từ HN, mất 2 chuyến xe khách, chạy liên tục hơn 24H đồng hồ để nuốt trọn 700km, tôi mới đến thị trấn! Dự đám cưới xong, tôi lấy xe máy của đứa cháu, đi tiếp 50km ngược dòng sông Đà, lên đến bản! Ây dà, cậu em tên Sanh đã chuẩn bị cơm nước đầy đủ để thết đãi rồi, thịnh soạn lắm. Cứ vào mâm đã, cơm tối xong rồi bàn chuyện ngày mai sau. Có thực mới vực được đạo, phỏng?
Cơm nước xong, cậu em Sanh nó gọi thêm mấy anh em nhà quanh bản nữa sang uống nước. Rồi bàn chuyện đi ngược thượng nguồn Sông Đà, tôi bảo là đi luôn ngày mai cho sớm! Nghe vậy, 2 cậu bạn của Sanh sẽ đi cùng, he he, vậy là đoàn có 4 người, vừa đủ cho 1 chiếc thuyền ván gỗ. Bố cậu Sanh biết mai chúng tôi đi, liền vào lục tủ mang ra mấy cái lưỡi câu to tướng, buộc sẵn dây câu và dặn “mang đi để bắt cá to”, úi giời, ông cụ không biết rằng trong balo của tôi đã có sẵn 1 vốc lưỡi câu to bự chảng mà tôi đã vòng lên tận chợ Giời – Phố Huế để mua từ trước khi đi. Nhưng tôi biết, ông cụ quý lắm mới đưa cho tôi, chứ ở nhà, thằng ku Sanh đừng mơ mà động vào mấy cái lưỡi câu này. Tôi nhận & xin ngay.
Sáng hôm sau, cơm nước & chuẩn bị đồ đạc xong! Chúng tôi vác đồ ra bờ sông Đà, xuồng đã để sẵn ở đây. Đồ đạc mang đi cố gắng gọn nhẹ hết sức, vì chuyến này chúng tôi đi có thể vài ngày, nước to, thác lớn! Mọi bất trắc, hiểm nguy đang chờ ở phía trước! Đồ dùng chúng tôi mang theo chỉ bao gồm 1 miếng bạt nilon lớn, lưới bắt cá, lưỡi câu, 2 cái xoong, khoảng 7kg gạo, 1 ít muối, vài con dao nhọn….! Và 10L dầu Diesel để chạy máy xuồng, còn thực phẩm khác chả mang gì, đi suối, đi rừng cùng dân bản xứ thì ngại gì không kiếm ra thức ăn, nhất là sông Đà, cá tuyền cá ngon. Mà cùng lắm, không kiếm được thức ăn thì ăn cơm với muối & rau rừng, vài ngày chắc không chết được đâu. He he, à, còn tiền, tất nhiên là không mang theo rồi, tiền mang đi để làm gì??? Nơi mà chúng tôi sẽ đến, TIỀN CHỈ ĐỂ NGẮM mà thôi!
Kiểm tra đồ đạc lại lần cuối, những thứ thiết yếu đã được bỏ lên thuyền. Đi thôi, đoàn chúng tôi có 4 người, nhưng xuất phát ở bến chỉ có 3. Còn 1 anh chàng nữa, nhà ở 1 bản bên kia bờ sông, cách đây khoảng 1km, chúng tôi lên đấy rồi đón sau.
Đúng như đã hẹn, 8h sáng, anh chàng này đã đứng đợi sẵn ở bờ sông. Gã này người dân tộc Hà Nhì, thấy Sanh kể, “thằng này chui rừng, kiếm thịt thú rừng siêu hạng lắm, có nó đi theo thì yên tâm hơn nhiều”. 🙂 Tốt quá, bạn đồng hành mà như này thì còn sợ gì nữa, à mà có, tôi chỉ sợ mấy ngày đi ngược sông Đà, sóng điện thoại không có. Vợ tôi gọi mà không liên lạc được, ắt hẳn lo lắng lắm lắm.
Nào, lên đường. Thuyền độc mộc vỏ gỗ nặng trình chịch, chở thêm 4 người trong nhóm chúng tôi và đồ đạc, nước đã mấp mé mạn thuyền rồi. Khoảng vài km ban đầu, ít thác ghềnh, nước lặng và cảnh đẹp. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, đủ thứ trên đời, từ chuyện con cá to nhất bắt được là nặng bao nhiêu, rồi rừng mùa này thì kiếm cái gì ăn được nhỉ?
Đi được 1 lát thì chúng tôi đến khu vực này, rất đẹp. Những vách đá hình thù nom rất lạ mắt, ắt hẳn chúng được dòng sông Đà ôm ấp, gầm gào và vuốt ve hàng nghìn năm nên mới nhẵn nhụi và mòn đến nhường này. Đang đi thì có tiếng gọi, hóa ra là ở đây có 1 nhóm mấy anh em cùng ở bản, lên đây câu cá từ đêm hôm qua, đang hết dầu diesel để về. Chúng tôi dừng lại, chỉ dám chia cho hơn nửa lít dầu, đủ để mấy anh chàng kia xuôi dòng về bản. Chả phải tiếc gì đâu, nhưng chúng tôi còn 1 chặng đường dài phía trước, và ắt hẳn là rất…tốn dầu.
Càng đi ngược dòng, sông Đà càng hung dữ, nhiều thác ghềnh, và nước chảy xiết hơn. Trở ngại đầu tiên chúng tôi gặp phải là thác này, thuyền không thể vượt được. Nhìn dòng nước chảy xiết đến chóng mặt, tôi cũng hơi hoang mang, không biết đi lên trên nữa thì sẽ như thế nào?!
Chúng tôi phải xuống, dỡ bỏ bớt đồ đạc rồi kéo thuyền vượt thác. Tôi được phân công việc nhẹ nhàng nhất, là vác đồ đạc lên bờ, rồi…đứng đợi. 3 anh em hò nhau kéo thuyền vượt thác! Nhìn thì đơn giản thế thôi, nhưng thực tế thì rất khó vì nước chảy xiết, lại nhiều đá ngầm, kéo không cẩn thận, thuyền lật, hoặc lao vào chân thì chỉ có…què.
Loay hoay 1 lát thì cũng kéo được thuyền qua thác, lại chất đồ đạc lên. Nổ máy và đi tiếp thôi, nhưng đúng thật, bây giờ là tháng 11, sông Đà đã qua mùa lũ rồi nhưng vẫn hung dữ, càng vào sâu thượng nguồn, thác càng nhiều. Còn rất nhiều những thác như thế này, và lần nào cũng phải xuống kéo thuyền!
Giờ cũng đã đi được hơn 2 giờ đồng hồ rồi, có lẽ trời lạnh, nước lạnh, mấy anh em đã cảm thấy đói. Dự tính điểm dựng trại & nghỉ của chúng tôi còn khoảng 30 phút nữa mới đến. Tôi ngồi giữa, chỉ thỉnh thoảng mới dám lôi máy ảnh ra chụp mấy cảnh đẹp đẹp, rồi lại phải bỏ vào túi nilon buộc chặt lại, nhỡ ngã xuống nước cũng không hỏng máy. Thật tiếc vì tôi không có máy ảnh chống nước, chuyến sau, nhất định tôi sẽ mua 1 chiếc.
Thuyền đang lướt vèo vèo thì, khực khực…chết máy. Ôi thôi, ku Sanh gào lên “ối, tí rơi bình xăng”. Ôi giời ơi, hóa ra ngược dòng nhiều, máy chạy nóng & rung quá. Mấy con ốc gắn bình xăng với khung máy bị bung ra, tuột mất. Bình xăng tí thì nhảy..xuống nước. Bị mất kha khá xăng! Kìm & cờ lê thì có mang theo, nhưng đào đâu ra ốc thay thế bây giờ, mấy anh em hơi lo, mất 1 lúc thì ku Sanh nó mới buộc được bình xăng lại bằng dây…chun vỏ săm xe máy cũ. :)) Hixx, đi như này cũng hơi hãi, nhỡ tí nữa bình xăng bị rơi mà không biết thì chỉ có nước…chèo tay về bản. Nhá…
Đến địa điểm mấy anh em đã chọn từ trước để nghỉ nấu cơm trưa ăn. Tôi và ku Hừ (anh chàng người Hà Nhì mà chui nhủi trong rừng giỏi ấy) ở lại để nấu cơm, dựng lán. Còn Sanh & anh Mươn đi thả lưới, kiếm ít cá làm bữa trưa.
Đợi mãi, cơm đã chín từ lâu mới thấy ku Sanh về. Cá kiếm được có mấy con, nói chung đủ dùng cho bữa trưa. Mấy anh em ai cũng đói lắm rồi, vặt bừa nắm lá cây rừng, ném vào nồi nấu chung với mớ cá vừa kiếm được. Ăn thôi
Bữa trưa của chúng tôi chỉ có 1 nồi cơm, nấu bằng thứ gạo Đỏ của người Hà Nhì, và 1 nồi cá nấu với rau rừng. Và khốn khổ 1 điều, thằng ku Hừ kia nó mang nhầm gạo, nhẽ ra phải mang gạo Tẻ thì nó lại xúc nhầm Gạo Nếp (cả 2 thứ này đều có màu đỏ như nhau mới chết dở chứ). Ôi dào, mấy bữa tới ăn cơm nếp, có hơi ngán tí thôi, nhưng được cái chắc bụng. Chả sao cả, đói phải chén tuốt, ăn gì mà chả thấy ngon. He he, cơ mà bữa trưa nay, gạo nếp nấu như gạo tẻ, nhiều nước quá thành ra như…cháo. Hơi khó nuốt 1 tẹo thôi.
Mời các anh chị cùng ăn trưa với chúng tôi. Cơm bờ cơm bụi, thiếu thốn mọi bề, nhưng lại thấy ngon miệng lắm. Ăn xong, chúng tôi bàn với nhau, chiều đi thả lưới bắt cá đã, tối nay ngủ ở đây. Ngày mai mới tiếp tục ngược dòng Sông Đà để đến nơi tôi mong ước: BIÊN GIỚI VIỆT & TRUNG, nơi dòng sông Đà được gọi tên.
Xem tiếp….